-->

Tư vấn pháp luật: Về việc yêu cầu chồng trả tiền cấp dưỡng

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân,...

Hỏi: Tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Chồng cũ tôi không trợ cấp nuôi con gần 2 năm nay, vừa rồi Thi hành án huyện có ra quyết định và xuống tận cơ quan chồng cũ của tôi và yêu cầu chồng cũ tôi ký một số thủ tục (Tôi cũng không rõ là thủ tục gì) nhưng nó liên quan đến đòi quyền cấp dưỡng cho con của tôi. Chồng cũ tôi không ký.Vậy tôi muốn hỏi Luật sư: Tôi có khả năng đòi được cấp dưỡng Nuôi con trong 2 năm qua tính từ ngày Tòa án huyện ra quyết định ly hôn nhưng chồng tôi không thực hiện hay không? (Nguyễn Hà - Hà Nội)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:"Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này".

Khoản 2 Điều 82 cũng quy định rõ "Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con".

Như vậy, chồng cũ của bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng (đóng góp tiền hoặc tài sản khác) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bạn và con bạn. Bên cạnh đó, Điều 83 cũng chỉ ra rằng "Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này", bạn có quyền yêu cầu chồng cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà chồng cũ của bạn đã không thực hiện suốt 2 năm qua.

Chồng cũ của bạn không cấp dưỡng cho con suốt 2 năm qua như vậy bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc chồng cũ thực hiện nghĩa vụ của mình. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều Khoản 2 Điều 107 và Điều 119 của Luật Hôn nhân gia đình.

Khoản 2 Điều 107 quy định như sau:"Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này."

" Điều 119 quy định:1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:a) Người thân thích;b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;d) Hội liên hiệp phụ nữ.3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó".

Như vậy, dù chồng bạn đã trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong vòng 2 năm thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án buộc chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.