-->

Trọng tài thương mại - những vấn đề chung nhất

Trọng tài (Arbitration) hay trọng tài thương mại (Commercial Arbitration) một phương thức giải quyết tranh chấp bằng sự tham gia của một bên thứ ba do hai bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn, tương tự tòa án, hay hòa giải trong thỏa thuận trọng tài.

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và chiếm ưu thế hiện nay bởi sự ưu việt mà các phương thức hòa giải, trung gian, hay tòa án không có được.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Lịch sử hình thành trọng tài thương mại

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trọng tài thương mại mới được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, tuy nhiên trong lịch sử thương mại quốc tế thì trọng tài thương mại đã manh nha rất sớm, thậm chí còn là tiền đề hình thành tòa án.


Trọng tài là phương thức cổ xưa nhất để giải quyết bất đồng giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia. Hy Lạp và La Mã cổ đại được cho là những nơi khởi nguồn của phương thức trọng tài này. Xuất hiện đầu tiên trong giao thương, mua bán giữa các lái buôn, khi có bất đồng trong việc trao đổi hàng hóa, thanh toán, họ sử dụng một bên thứ ba không phải Nhà nước, được cho là công minh, đủ hiểu biết, thường là một hoặc một số cá nhân độc lập, thông tuệ để phân xử ; phương thức trọng tài bắt nguồn từ đó.

Văn bản pháp luật đầu tiên ghi nhận hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ra đời ở Anh năm 1697, tại thời điểm mà phương thức này vốn dĩ đã được sử dụng phổ biến.

Năm 1794, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Anh về ấn đề các khoản nợ và thỏa thuận biên giới được quy định rõ sẽ sử dụng phương thức trọng tài trong Hiệp ước Jay 1794 (Jay's Treaty 1794). Không chỉ các thương nhân ưa chuộng sử dụng phương thức này mà trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, phương thức này cũng được ưu tiên sử dụng.

Theo sự phát triển của thương mại quốc tế, phương thức trọng tài được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia và giống như một sự tất yếu, một chiếc tàu cứu hộ cho cơ quan tố tụng là tòa án đang quá tải, kém hiệu quả ở các quốc gia, trọng tài thương mại với những đặc thù phù hợp với kinh tế, đã phát triển nhanh chóng, trở nên được ưu ái hơn với các phương thức khác. Các tổ chức trọng tài thương mại ra đời và đóng góp quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.

Năm 1958, Công ước New York ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của phương thức trọng tài thương mại. Công ước New York về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài giống như một mạng lưới liên kết hệ thống pháp luật quốc gia với các quyết định của trọng tài thương mại. Công ước này cho phép một phán quyết của trọng tài nước ngoài được thực thi tại bất cứ quốc gia thành viên của công ước và các quốc gia thành viên có trách nhiệm công nhận và cho thi hành phán quyết này giống như bất cứ quyết định nào của tòa án nước mình.
Đến nay, phương thức trọng tài thương mại đã được phổ biến rộng, được ưa chuộng trong giải quyết tranh chấp không chỉ trong các hợp đồng ngoại thương nữa mà còn ngay trong một quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của xu thế này.

Những điểm cơ bản về trọng tài thương mại

- Khái niệm trọng tài:

Trọng tài (Arbitration) hay còn gọi là trọng tài thương mại (Commercial Arbitration): Hiểu đơn giản là một phương thức giải quyết tranh chấp bằng sự tham gia của một bên thứ ba do hai bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn, tương tự tòa án, hay hòa giải trong thỏa thuận trọng tài. Trên cơ sở thỏa thuận, các bên lựa chọn bên thứ ba làm người phân xử, lựa chọn quy tắc tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, có giá trị thi hành như phán quyết của tòa án (nội dung này được ghi nhận trong pháp luật về trọng tài thương mại của các quốc gia).

Phương thức trọng tài được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản, tối cao của pháp luật hợp đồng đó là nguyên tắc tự do thỏa thuận, giao kết hợp đồng. Mọi thỏa thuận giữa các bên (nếu không vi phạm các điều cấm của pháp luật) thì đều được tôn trọng và chấp thuận.

Phương thức này chủ yếu được áp dụng đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các thương nhân, giữa các quốc gia, hay giữa thương nhân và quốc gia.

- Thỏa thuận trọng tài:

Thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận về việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của các bên trong giao kết hợp đồng. Thỏa thuận trọng tài là cơ sở đầu tiên làm phát sinh thẩm quyền của Trọng tài viên/tổ chức trọng tài/hội đồng trọng tài, đồng thời là căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý vụ việc.

Hình thức của thỏa thuận trọng tài: phải được thể hiện bằng văn bản, các bên thỏa thuận về việc sử dụng trọng tài bằng điều khoản trọng tài, điều khoản này có thể hiện diện dưới hình thức một điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại, hoặc được tách riêng làm phụ lục hợp đồng, hoặc thậm chí là một hợp đồng riêng biệt về giải quyết tranh chấp. Điều này tùy thuộc hoàn cảnh, nhu cầu của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp và điều kiện thực tế của các bên.

Nội dung của thỏa thuận trọng tài: Nội dung của thỏa thuận trọng tài phải thể hiện được ý chí của các bên rằng sẽ lựa chọn phương thức trọng tài là phương thức giải quyết những mâu thuẫn bất đồng nảy sinh trong quá trình hợp tác. Nội dung của thỏa thuận trọng tài có thể chi tiết về tổ chức trọng tài mà các bên lựa chọn, trọng tài viên được lựa chọn, quy tắc tố tụng trọng tài áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp, pháp luật nội dung được áp dụng để giải quyết tranh chấp (ví dụ các bên có thể lựa chọn áp dụng các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 để giải quyết tranh chấp thay vì sử dụng pháp luật tại nước sở tại nơi diễn ra việc phân xử) địa điểm, ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp… hoặc thậm chí nội dung thỏa thuận trọng tài chỉ đơn giản là việc thỏa thuận sẽ sử dụng phương thức trọng tài khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài khi được thể hiện bởi một điều khoản trong hợp đồng thì cũng có sự độc lập, riêng biệt với hợp đồng ; điều này được giải thích rằng trường hợp hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận trọng tài cũng không bị vô hiệu theo dù là một điều khoản trong hợp đồng (Công ước New York 1958).

Việc quy định rõ ràng chi tiết hay bao quát chung chung tùy thuộc nhu cầu, khả năng và sự nhận thức của các bên về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết trong các hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, việc quy định chi tiết, cụ thể các điều khoản trọng tài sẽ tạo thuận lợi trong giải quyết vấn đề pháp lý hơn, bởi khi đã xảy ra tranh chấp, việc giải quyết sẽ được đề xuất theo ý chí chủ quan của các bên, khó tạo đi đến sự thống nhất nếu một trong các bên không đủ sự thiện chí.

Bên cạnh đó, một số trung tâm trọng tài hiện nay có quy định cụ thể về điều khoản trọng tài, điều kiện để sử dụng phương thức trọng tài tại trung tâm/tổ chức trọng tài. Ví dụ tại Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế ICC hay VIAC của Việt Nam có quy định cụ thể, các bên nếu muốn sử dụng trọng tài thương mại tại tổ chức này thì phải ghi rõ trong hợp đồng theo điều khoản mẫu được ICC, VIAC đưa ra.

Về mặt nguyên tắc, khi hai bên đã có thỏa thuận trọng tài, và thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu, thì tòa án không được thụ lý vụ án mà phải từ chối giải quyết, quy định này được thống nhất trong pháp luật về trọng tài thương mại quốc gia và quốc tế.

Trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu về mặt hình thức hay nội dung, các bên vẫn được ưu tiên thỏa thuận lại điều khoản trọng tài.

- Hình thức trọng tài:

Trọng tài được phân làm hai loại: Trọng tài vụ việc (ad-hoc arbitration) hoặc trọng tài thường trực (institutional arbitration).

Trọng tài vụ việc (ad-hoc arbitration): Đây là là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ giải tán khi giải quyết xong vụ việc đó. Các đặc trưng cơ bản của Trọng tài vụ việc (ad-hoc arbitration) là:
  • Hội đồng trọng tài được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp;
  • Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ trung tâm trọng tài nào.
  • Quy tắc tố tụng của trọng tài vụ việc để giải quyết vụ tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài hiện đang hoạt động, có thể do các bên lựa chọn hoặc do trọng tài viên trong hội đồng trọng tài lựa chọn.
Hội đồng trọng tài được thành lập bao gồm một số lẻ các trọng tài viên, có thể là 1 trọng tài viên, 3 trọng tài viên, hoặc 5 trọng tài viên…tùy khả năng, điều kiện của các bên.

Trọng tài thường trực (trọng tài quy chế- institutional arbitration): Trọng tài thường trực là hình thức trọng tài được xây dựng và tổ chức hệ thống, quy củ, chặt chẽ, có bộ máy làm việc, trụ sở làm việc thường xuyên, có danh sách trọng tài viên, hoạt động theo quy định của tổ chức, có bộ Quy tắc tố tụng riêng. Về tên gọi của các tổ chức này có thể là trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, tòa trọng tài… tuy nhiên về bản chất vẫn là một tổ chức độc lập hoạt động cung cấp phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài. Đặc trưng của hình thức trọng tài quy chế:
  • Cơ cấu tổ chức của trung tâm trọng tài gồm có các bộ phận hoạt động, điều hành hỗ trợ hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, các trung tâm trọng tài còn có danh sách trọng tài viên của trung tâm, thông thường thì danh sách này mang tính chất khuyến nghị. Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên trong danh sách này hoặc trung tâm sẽ chỉ định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn trọng tài viên.
  • Trung tâm trọng tài có thể tự quyết định về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và quy tắc tố tụng riêng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia nơi trung tâm đặt trụ sở.
- Quy tắc tố tụng trọng tài:

Quy tắc tố tụng là bộ các quy định, nguyên tắc được áp dụng trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp.

Đối với hình thức trọng tài vụ việc, như đã nói ở trên, quy tắc tố tụng này có thể được xây dựng, hoặc lựa chọn các quy tắc tố tụng mẫu có sẵn của các trung tâm trọng tài. Một trong các bộ Quy tắc tố tụng trọng tài mẫu được xây dựng và phổ biến hiện nay là Quy tắc trọng tài của Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc UNCITRAL.

Đối với hình thức trọng tài quy chế, thông thường và phổ biến nhất là các bên sử dụng bộ Quy tắc tố tụng có sẵn của trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên cũng không loại trừ quyền lợi các bên lựa chọn một bộ quy tắc tố tụng khác không phải của trung tâm để áp dụng trong giải quyết tranh chấp, điều này tùy thuộc vào việc trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn có chấp thuận và tôn trọng thỏa thuận này của các bên hay không.

- Ưu điểm - hạn chế của phương thức trọng tài thương mại:

Hiểu về khái niệm, về thỏa thuận trọng tài, về quy tắc tố tụng trọng tài cũng như hình thức của trọng tài thương mại, bạn đọc sẽ có những hình dung nhất định về phương thức này để từ đó thấy được những ưu điểm và hạn chế của việc giải quyết bằng phương thức trọng tài.

Ưu điểm:

Các bên được tôn trọng quyền tự do thỏa thuận: Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, bình đẳng và tự nguyện, phương thức trọng tài thương mại chính là sự tôn trọng, đề cao, phát huy tối đa quyền tự do thỏa thuận, tự do giao kết của các bên.
Nguyên tắc tự do thỏa thuận thể hiện đầu tiên ở việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp, lựa chọn tổ chức trọng tài, lựa chọn trọng tài viên, quy tắc tố tụng, luật nội dung áp dụng để giải quyết tranh chấp, lựa chọn địa điểm diễn ra phiên xét xử cũng như ngôn ngữ…

Có thể thấy, nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên đã được tôn trọng một cách tối đa, điều này rất phù hợp với các thương gia, các quốc gia lớn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp. Việc được tôn trọng quyền tự do định đoạt, ý chí trong các thỏa thuận là một trong các nguyên nhân ban đầu khiến cho các bên dễ dàng chấp nhận phán quyết của trọng tài thương mại hơn so với phương thức giải quyết bằng tòa án. Điều này cũng thể hiện sự linh hoạt tối đa, không áp đặt như phương thức tòa án.

Tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa thủ tục tố tụng: Xuất phát từ yếu tố trọng tài hoạt động theo yêu cầu, thỏa thuận của các bên, các bên nắm quyền chủ động trong hầu hết quá trình giải quyết tranh chấp, thủ tục nhanh chóng, đơn giản và không nhiều công đoạn như tại Tòa án, thời gian giải quyết tranh chấp tại trọng tài được rút ngắn hơn rất nhiều so với thời gian thực tế tại Tòa án, chưa kể các bên sẽ tránh được sự nhiêu khê, dài dòng và thiếu minh bạch trong quá trình xét xử.

Quyết định của Hội đồng trọng tài có chất lượng tốt: Quyết định của Hội đồng trọng tài có giá trị chung thẩm, không kháng cáo kháng nghị, không bị ảnh hưởng bởi thiết chế, sự áp đặt của nhà nước, đây là một ưu thế rõ rệt của hình thức trọng tài.

Quyết định của Hội đồng trọng tài có tính chất chuyên môn bởi quyết định này được xây dựng qua nghiên cứu của các trọng tài viên là chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực cụ thể (thường là lĩnh vực các bên đang tranh chấp), họ có những kiến thức chuyên sâu nên dễ nhìn nhận bản chất vấn đề và đưa ra các ý kiến, quyết định bám sát thực tiễn tranh chấp hơn.

Tính bảo mật thông tin cao: Về nguyên tắc, quy trình xét xử tại trọng tài được diễn ra dưới dạng các buổi họp kín chỉ có các bên và người liên quan, hội đồng xét xử và một số lượng hạn chế những thành phần khác do các bên quyết định, nên khả năng bảo mật thông tin vụ việc, bí mật kinh doanh của các bên tốt hơn, tránh nguy cơ bị ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại về cả vật chất và tinh thần cho các bên, trong khi xét xử tại tòa án được diễn ra công khai, không giấu giếm.

Khả năng được công nhận và thi hành tại các quốc gia khác: Đây là một ưu điểm lớn, quan trọng của phương thức trọng tài, có thể được hiểu như sau: Sự ra đời của Công ước New york 1958 ràng buộc các quốc gia trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài giống như một biện pháp chống lưng vững chắc, nâng cao ưu thế của phương thức trọng tài thương mại so với phương thức tòa án. Công ước New York thống nhất nguyên tắc về việc các quốc gia thành viên của công ước phải công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài của các nước thành viên của công ước, xuất phát từ cơ sở có đi có lại trong luật quốc tế. Bên cạnh đó, yếu tố độc lập tách biệt với ý chí, quyền lực nhà nước là một điểm quan trọng để các quốc gia dễ chấp thuận phán quyết trọng hơn so với quyết định của tòa án. Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án một quốc gia trên lãnh thổ một quốc gia khác dựa vào nhiều yếu tố: mối quan hệ hòa hảo giữa các quốc gia, pháp luật quốc gia này và pháp luật quốc gia nơi được yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án có tương thích với nhau không, hai bên đã có thỏa thuận nào về việc này chưa…

Hạn chế:

Tương tự như các phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án hay những phương thức khác, trọng tài dù nhiều ưu điểm nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như:
  • Mức biểu phí của các trung tâm trọng tài thường cao hơn rất nhiều so với chi phí giải quyết tranh chấp tại Tòa án và các phương thức khác.
  • Hạn chế trong xác minh, thu thập chứng cứ, bởi trọng tài không nằm trong thiết chế quyền lực nhà nước, nên công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trở nên khó khăn, hội đồng trọng tài xét xử gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tài liệu mà các bên cung cấp.
  • Chính vì đề cao sự thỏa thuận, tự do ý chí của các bên mà việc giải quyết bằng trọng tài đôi khi cũng dựa phần lớn vào yếu tố thiện chí. Trường hợp một trong hai bên không có thiện chí thì việc giải quyết tranh chấp cũng không tránh khỏi những khó khăn như việc xét xử bằng con đường tòa án
  • Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài cũng gặp vướng mắc bởi hiện tại có những quốc gia chưa tham gia công ước New York, không ký kết với nhau các thỏa thuận về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Đôi khi, thậm chí đối với các quốc gia thành viên Công ước, thì khi có yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền nước sở tại có thể từ chối bởi lý do phán quyết vi phạm pháp luật nước sở tại…và khả năng này có thể xảy ra, quốc gia đó có quyền từ chối (Điều 5 Công ước New york 1958 về các trường hợp một quốc gia có thể từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài).
  • Quyết định của trọng tài thương mại có thể bị đưa ra xem xét tại cơ quan tòa án, thậm chí bị hủy nếu có những yếu tố không phù hợp, không đúng với các quy định pháp luật nước sở tại.
Trên thực tế, theo đánh giá cá nhân, ngoài điểm hạn chế là biểu phí dịch vụ cao thì những hạn chế kia có thể được khắc phục, dự đoán trước. Những điểm hạn chế nhỏ này không làm cản trở phương thức trọng tài trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng hơn rất nhiều so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Thực tiễn cho thấy, phương thức trọng tài rất linh hoạt, phù hợp không chỉ với thương mại quốc tế, mà còn với thương mại nội địa, không chỉ thích hợp trong giải quyết tranh chấp giữa các thương nhân mà còn thích hợp với giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của luật quốc tế bởi những ưu thế vượt trội của nó so con đường tòa án, hay trung gian hòa giải.

Luật gia Nguyễn Thị Liên - Phòng Tư vấn pháp luật Dân sự & Thương mại Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  • Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  • Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].