Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.
Hỏi: Năm 1996 bố tôi mất đi để lại tài sản là ngôi nhà với diện tích khoảng 370 m2 và mảnh vườn với diện tích 1.200m2 cho vợ và 2 con. Do căn nhà ở trong ngõ sâu, các cháu còn nhỏ không tiện trông nom nên gia đình nhà bố tôi đã bàn bạc đổi nhà tôi với nhà bác A, căn nhà này có diện tích 103 m2 ở mặt đường Đấu Mã (có giấy xác nhận của chính quyền xã chia đất cho bác A). Việc đổi nhà này chỉ có người làm chứng chứ không có giấy tờ gì vì cả 2 mảnh đất này cùng không sổ đỏ và đều do ông cha để lại,hoàn toàn không phải do mua bán. Năm 1999 bác A và bác B là anh trai của bố tôi làm 2 sổ đỏ cho nhà và vườn. Sổ đỏ thứ nhất đứng tên bác A gồm ngôi nhà với diện tích 370m2 và 600m2 diện tích vườn. Sổ đỏ thứ 2 đứng tên bác B là 600 m2 mảnh vườn còn lại. Năm 2009 gia đình tôi muốn xây nhà nên đã nộp giấy tờ lên UBND phường Vũ Ninh để làm sổ đỏ cho mảnh đất đang ở hiện thời tại đường Đấu Mã thì bác A (ở tại nhà cũ của gia đình tôi) đã nộp đơn lên phường với lý do chỉ cho gia đình tôi mượn nhà ở nhờ chứ đất không phải của gia đình tôi. Vì là đất tranh chấp nên UBND phường Vũ Ninh đã không làm sổ đỏ cho gia đình tôi. Gần đây mẹ tôi có đề nghị bác A rút đơn về để gia đình tôi làm sổ đỏ thì bác A không đồng ý và muốn đổi lại nhà,gia đình tôi sẽ về nhà cũ trong ngõ sâu. Nhưng bác chỉ trả lại nhà chứ sẽ không trả 1 phần vườn nào cả. Tôi muốn hỏi là bây giờ gia đình tôi muốn kiện ra tòa thì có cơ hội thắng kiện không vì hòa giải ở địa phương chắc chắn sẽ không được? (Hoàng Nam - Nghệ An)
Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về hợp đồng trao đổi đất:
Theo những thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn và người bác đã tiến hành việc đổi đất cho nhau theo hợp đồng miệng có người làm chứng. Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về hợp đồng trao đổi tài sản như sau:
Hợp đồng trao đổi tài sản
“1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.
2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.
3. Trong trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao dịch cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 428 đến Điều 437 và từ Điều 439 đến Điều 448 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”.
Như vậy, việc đổi đất của hai gia đình được pháp luật cho phép, tuy nhiên, gia đình bạn cần phải có hợp đồng được công chứng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hai mảnh đất cần có văn bản đồng ý về việc trao đổi đất để tránh tranh chấp về sau. Trong trường hợp của bạn, không có hợp đồng được lập thành văn bản và công chứng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên giao dịch trao đổi tài sản này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật , Do đó giao dịch trên không có hiệu lực.
Thứ hai, về việc khởi kiện giải quyết tranh chấp:
Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2011, khi tham gia tố tụng các đương sự có quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó trong trường hợp này, nếu hai bên khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp, tùy thuộc vào chứng cứ các bên có thể cung cấp và hồ sơ vụ án, năng lực thu thập chứng cứ chứng minh của các bên đương sự đến đâu, Tòa án sẽ tiến hành xét xử dựa trên các chứng cứ các bên đưa ra và ra bản án, quyết định đúng người đúng tội.
Trong trường hợp của bạn, căn nhà với diện tích khoảng 370 m2 và mảnh vườn với diện tích 1.200m2 của bố bạn để lại hiện đều đã được đăng ký sổ đỏ dưới tên người khác. Do đó, nếu muốn giải quyết vụ việc tranh chấp này còn phụ thuộc vào việc gia đình bạn có tìm được bằng chứng chứng minh quyền sở hưu trước đó của bản thân đối với ngôi nhà và mảnh đất nêu trên. Bạn có thể nhờ người làm chứng ra tòa chứng minh giao dịch trước đó là trái pháp luật, đã bị vô hiệu để trả lại quyền sử dụng đất lại cho gia đình. Bằng chứng còn có thể là phần di chúc của bố bạn (nếu có) ghi nhận quyền sở hữu của bố bạn và hiện trao lại cho mẹ con bạn. Tùy vào những chứng cứ mà bạn thu thập được để quyết định vụ án có thể làm sáng tỏ và gia đình bạn có khả năng thắng kiện hay không.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận