-->

Tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề, giải quyết như thế nào?

Hợp đồng đào tạo nghề có nội dung chủ yếu: nghề đào tạo; địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; chi phí đào tạo; thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo...

Đề nghị luật sư tư vấn về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề.

Trường hợp cụ thể của tôi như sau:Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp. Tôi có xin việc vào một công ty tư vấn và chăm sóc khách hàng. Khi ký hợp đồng, để giảm thiểu chi phí và để lách các quy định của về quyền lợi của người lao động, Công ty chỉ ký với tôi và những người mới đi làm hợp đồng gọi là "Hợp đồng đào tạo nghề". Trên thực tế, Công ty không đào tạo nghề, mà chỉ hướng dẫn những người mới trong 01 ngày, sau đó chúng tôi chính thức làm việc. Chúng tôi làm việc không khác biệt gì những người lao động chính thức. Nhưng khi, chúng tôi hỏi về quyền lợi, thì Phòng Hành chính giải thích chúng tôi chỉ có tư cách học viên. Khi tình trạng hoạt động của Công ty không tốt, một số anh, chị cũng được ký hợp đồng đào tạo nghề như tôi bị ép nghỉ việc, mà không hề có thông báo trước và không hề có một giấy tờ quyết định cho thôi việc. Gần đây, công ty đột ngột chuyển địa điểm, chỉ thông báo trước 01 ngày. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi đã nộp đơn nghỉ việc trước 05 ngày, nhưng Công ty không duyệt và nói sẽ không thanh toán lương tháng vừa qua (tôi đã làm hết tháng và bàn giao công việc nghiêm chỉnh). Tôi muốn hỏi: 1- Hợp đồng đào tạo nghề của tôi với Công ty như vậy có đúng luật lao động không; 2- Lý do và thời hạn tôi xin nghỉ như vậy có được xem xét không; 3- Công ty không thanh toán tiền lương cho tôi trong trường hợp trên là đúng hay sai? (Nguyễn Anh Thư - Sơn La)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về câu hỏi hợp đồng đào tạo nghề giữa anh (chị) và Công ty là đúng hay sai luật.

Theo Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012, thì Hợp đồng đào tạo nghề được quy định như sau: "1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. 2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Nghề đào tạo; b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; c) Chi phí đào tạo; d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động. 3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài".

Có thể khi tuyển dụng lao động có đào tạo nghề,Công tycó mục đích sử dụng người mới ra trường để giảm chi phí và không phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động.Tuy nhiên, trước khi giao kết hợp đồng, anh (chị) có quyền lựa chọn giữa tham gia chương trình đào tạo (làm việc) của Công ty, hoặc không tham gia, nếu thấy quyền lợi của mình không được bảo đảm.Hơn nữa, nếu những trong hợp đồng đào tạo nghề có quy định rõ ràng các điều khoản mà chúng tôi viện dẫn thì việc người học nghề chứng minh những sai phạm của đơn vị đào tạo nghề là không dễ dàng.

Trường hợp có tranh chấp, anh (chị) cần chứng minh được rằng, thực chất nghĩa vụ, công việc mà người học nghề đảm nhiệm có khác gì so với lao động khác có ký hợp đồng lao động tại Công ty hay không.

Thứ hai, về các vấn đề khác mà anh (chị) nêu trong thư như: Công ty chuyển địa điểm không thông báo trước cho người học nghề; Việc anh (chị) xin nghỉ đào tạo (nghỉ việc) trước hạn và thời hạn báo trước khi nghỉ đào tạo; Vấn đề Công ty không thanh toán tiền lương.

Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012 (ở trên) đã ghi rõ hợp đồng đào tạo nghề phải có nội dung chủ yếu: (i) Nghề đào tạo; (ii) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; (iii) Chi phí đào tạo; (iv) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; (v) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; (vi) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Anh (chị) có thể đối chiếu các sự kiện trên với nội dung ghi trong hợp đồng đào tạo, xem Công ty thực hiện đúng/sai nội dung nào; Người học nghề (là anh, chị) thực hiện đúng và sai nội dung nào. Nếu lỗi thuộc về Công ty, anh (chị) có thể viện dẫn"trách nhiệm của người sử dụng lao động" hoặc "trách nhiệm của bên thực hiện sai nghĩa vụ" được quy định trong hợp đồng đào tạo để yêu cầu Công ty thực hiện đúng các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng, hoặc bồi thường thiệt hại. Ngược lại, anh (chị) có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc phải hoàn trả chi phí đào tạo, bồi thường thiệt hại.

Về vấn đề Công ty không thanh toán tiền lương cho người học nghề (người lao động). Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì: "Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không tiến hành ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây: a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động...".

Anh chị có thể khiếu nại vấn đề này với giám đốc Công ty. Nếu Công ty vẫn từ chối trả lương mà không có lý do chính đáng, anh (chị) có thể khiếu nại lên thanh tra Sở lao động hoặc khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.