-->

Tranh chấp đất đai của ông bà để lại không có di chúc, xử lý như thế nào?

Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Hỏi: Vụ việc có liên quan đến mảnh đất mà hiện nay gia đình tôi đang sinh sống, canh tác trên 30 năm nay. Mảnh đất này có một phần là đất vườn và một phần được công nhận là đất thổ cư (đất ở lâu dài). Nguồn gốc mảnh đất gia đình tôi đang ở hiện nay trước đây là đất bãi bồi ven sông, do ông bà tôi cải tạo và sau này là cha mẹ tôi sinh sống, quản lý và sử dụng từ đó cho đến nay. Ông bà tôi sinh hạ được 6 người con gồm 04 gái, 02 trai. Trong đó có 01 người con trai nhập ngũ năm 1972, 01 gái nhập ngũ năm 1984 và hiện không còn hộ khẩu tại quê đã rất lâu. Hai người này đang sinh sống và có nhà tại TP. HCM. Còn 02 người con gái cũng đã lập gia đình và ra ở riêng gần khu vực nhà tôi ở. Năm 1993 ông nội tôi mất không để lại di chúc. Cha mẹ tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước đối với mảnh đất này. Năm 2004 lần đầu tiên gia đình tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cha tôi làm chủ hộ (do chính quyền địa phương đo đạc và cấp đồng loạt cho các hộ gia đình). Năm 2012 bà nội tôi mất cũng không để lại di chúc. Sau khi bà tôi mất thì có sự tranh chấp xảy ra. Hai người con đang sinh sống tại TP. HCM đòi chia phần đất tại mảnh đất hiện gia đình tôi đang ở và họ cho rằng mảnh đất này sẽ phải chia thành 6 phần bằng nhau, mỗi người con được hưởng tương ứng một phần bằng nhau. Gia đình tôi thấy đây là một điều phi lý. Đề nghị Luật sư tư vấn, cách chia của họ theo Luật Đất đai 2013 có đúng không? (Trần Thanh Tú - Bắc Giang)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Hồng Phúc - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo thông tin anh (chị) cung cấp thì mảnh đất hiện gia đình anh (chị) đang sinh sống có nguồn gốc từ việc ông bà anh (chị) cải tạo từ đất bãi bồi ven sông, hơn nữa, việc bố mẹ anh (chị) sinh sống lâu năm trên mảnh đất này không hề có sự thực hiện thủ tục tặng cho hay thừa kế từ ông bà anh (chị) hay được sự đồng ý của những người anh em của bố anh (chị). Chính vì vậy, chủ sở hữu mảnh đất trên vẫn sẽ là ông bà anh (chị) chứ không phải người đang sinh sống trên mảnh đất hiện nay là bố mẹ anh (chị).

Về việc chia di sản thừa kế của ông anh (chị) (ông anh (chị) chết không có di chúc từ thời điểm năm 1993)

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, mảnh đất này của ông bà anh (chị) có được trong thời kỳ hôn nhân thì được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng. Theo đó, khi ông anh (chị) mất, di sản của ông anh (chị) để lại là quyền sử dụng một nửa diện tích mảnh đất trên, một nửa còn lại thuộc quyền sử dụng của bà anh (chị). Tức là, bà anh (chị) sẽ được chia một nửa mảnh đất đó.

Một nửa phần diện tích đất là di sản ông anh (chị) để lại sẽ được xử lý như sau: Pháp luật về thừa kế quy định về thời hiệu khởi hiện về thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Ông anh (chị) mất từ năm 1993, tính đến nay đã 22 năm nên đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Tuy nhiên theo nghị quyết 02/2004/NQQ-HĐTP của Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định như sau: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau: Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.

Theo đó, trong trường hợp của gia đình anh (chị) thì, sau khi ông anh (chị) mất,phần tài sản mà ông anh (chị) để lại vẫn chưa được chia thừa kế, do đó, nó trở thành tài sản chung giữa các đồng thừa kế (gồm bà anh (chị) và 6 người con của ông bà anh (chị)). Hiện nay, nếu bà anh (chị) và các đồng thừa kế khác đồng ý thừa nhận phần tài sản này chưa chia và là tài sản chung của các đồng thừa kế thì có thể làm đơn kiện đến tòa án với nội dung khởi kiện là yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung giữa các đồng thừa kế. Tuy nhiên, anh (chị) cũng nên chú ý tới việc nếu một trong những đồng thừa kế không đồng ý thỏa thuận này thì không đủ điều kiện để trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Do đó, có thể bố anh (chị) và các đồng thừa kế khác sẽ không được chia phần di sản của ông anh (chị) (mảnh đất ) này.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sảnmà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.