-->

Thủ tục tách thửa và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Căn cứ vào quỹ đất của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại địa phương.

Hỏi: Hiện tôi đang có nhu cầu mua một lô đất có kích thước khoảng 5x40m tại một xã cùng tỉnh nhưng khác huyện để xây dựng nhà ở và định cư lâu dài. Tuy nhiên bản thân không nắm rõ về thủ tục hành chính và người bán đất cũng thế. Vì vậy tôi rất mong nhận được sự tư vấn từ phía công ty để chúng tôi được biết và tiến hành các thủ tục cần thiết. Các thông tin như sau: Lô đất tôi muốn mua thuộc 1 phần của 1 thửa đất có mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, giấy chứng nhận QSDĐ cấp năm 2004 đứng tên Hộ ông X và chỉ có 1 người đứng tên. Tuy nhiên, hiện người chồng đã mất 2 năm nay chỉ còn người vợ. Đề nghị Luật sư tư vấn, giờ tôi muốn mua lô đất trên thì tôi cần chuẩn bị và làm thủ tục gì để tách thửa đất trên? (Bùi Việt Dũng - Thái Bình)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 4 Điều 143 Luật Đất đai 2013 quy định: “2. Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”.

Như vậy, anh (chị) lưu ý rằng, việc tách thửa phải tuân theo quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được phép tách thửa.

Về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa được quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: “1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa; c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. 3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau: a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã".

Về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa đất được quy định tại Điều 9 Khoản 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT bao gồm: “a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK; b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp”.

Như vậy, để tách thửa diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, anh (chị) nộp hồ sơ xin tách thửa đất bao gồm các giấy tờ như đã nêu trên tại Văn phòng đăng kí đất đai.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.