-->

Thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam

Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP (ngày 10/07/2002, quy định chi tiết thi hành một số điều về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài của Luật HN&GĐ).

Hỏi: Tôi là công dân Việt Nam, anh ấy là người Pháp. Chúng tôi muốn kết hôn tại Việt Nam. Đề nghị Luật sư tư vấn về điều kiện, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Phương Thảo, Hải Dương).

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty TNHH Everest - trả lời:

Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) quy định về điều kiện kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài: Mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn (Điều 103).

Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP (ngày 10/07/2002, quy định chi tiết thi hành một số điều về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài của Luật HN&GĐ) và Nghị định 69/2006/NĐ-CP (ngày 21/07/2006, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP), theo đó:

Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 02 bộ, nộp tại Sở Tư pháp, gồm: (1) Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định; (2) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng; (3) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; (4) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Giấy CMND (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài); (5) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ tương đường đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước còn phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành.

Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên đương sự phải có mặt. Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và uỷ quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ.

Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan Công an xác minh, thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trong thời hạn 07 ngày tại trụ sở Sở Tư pháp, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng, nhưng không quá 90 ngày. Hai bên nam, nữ kết hôn phải có mặt tại Lễ đăng ký kết hôn. Đại diện Sở Tư pháp, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn; nếu hai bên đồng ý kết hôn thì ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Theo Báo Lao động, ngày 6.10.2011.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.