-->

Thỏa thuận bồi thường chi phí đào tạo với công ty khi nghỉ việc

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật, anh (chị) vẫn vi phạm cam kết học nghề là phải làm việc đủ 05 năm cho Công ty kể từ thời điểm hoàn thành khóa đào tạo. Do đó, anh (chị) vẫn có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của Luật Dạy nghề.

Hỏi: Năm 2005, tôi bắt đầu làm việc tại một công ty xây dựng. Năm 2009, tôi được Công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Tháng 06.2012, tôi tham gia một khóa đào tạo do Công ty tổ chức cho người lao động với tổng chi phí 14 triệu đồng (gồm chi phí đào tạo 06 triệu và lương trong thời gian đào tạo 08 triệu). Công ty yêu cầu tôi ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với công ty trước khi học, với nội dung: Phải làm việc cho công ty 05 năm, nếu nghỉ trước thời hạn thì phải đền bù gấp 03 lần chi phí đào tạo. Đầu năm nay (2017), do một số nguyên nhân, tôi không muốn tiếp tục làm việc ở Công ty nữa. Tôi có nộp đơn xin thôi việc. Công ty không đồng ý và đưa hợp đồng ràng buộc mà tôi đã ký, yêu cầu tôi nộp phạt 42 triệu đồng.

Nhờ luật sư tư vấn giúp: Hợp đồng ràng buộc trách nhiệm và điều khoản đền bù gấp 03 lần chi phí đào tạo mà công ty yêu cầu tôi ký như trên có đúng pháp luật không? Có cách nào để tôi có thể không phải thực hiện điều khoản đền bù kia không? Nếu đúng pháp luật, tôi có phải đền bù cả 42 triệu không khi chỉ còn vài tháng nữa là hết hợp đồng ràng buộc? Tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không và được hưởng theo mức như thế nào? Nếu hợp đồng là không đúng pháp luật, tôi có thể kiện công ty tại đâu để bảo vệ quyền lợi của mình? (Vũ Đức Phồn - Lâm Đồng)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo thông tin anh (chị) cung cấp, có thể thấy, anh (chị) đã giao kết với công ty 01 hợp đồng lao động không xác định thời hạn và 01 hợp đồng đào tạo với cam kết làm việc 05 năm sau khi kết thúc đào tạo.

- Về việc chấm dứt hợp đồng lao động:

Vì anh (chị) làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, nên xin nghỉ việc anh chị phải tuân thủ đúng quy định về thời hạn báo trước 45 ngày trước khi nghỉ việc theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ 2012) về thời hạn báo trước.

Nếu thực hiện đúng quy định này, khi nghỉ việc, anh (chị) sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Trường hợp vi phạm thời hạn báo trước (45 ngày), anh (chị) bị coi là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó, anh (chị) phải thực hiện các nghĩa vụ với người sử dụng lao động theo Điều 43 BLLĐ 2012:

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

Như vậy, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (không báo trước đủ 45 ngày) thì anh (chị) sẽ không được trợ cấp thôi việc, phải bồi thường nửa tháng tiền lương, bồi thường tiền lương trong những ngày không báo trước và phải hoàn trả chi phí đào tạo.

- Về hợp đồng đào tạo cam kết làm việc 05 năm cho công ty:

Đây là một hợp đồng đào tạo nghề, nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động và Luật dạy nghề năm 2006. Theo quy định tại Điều 64 Luật dạy nghề 2006 thì:

Người tốt nghiệp các khóa học nghề do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí dạy nghề phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng học nghề; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề”.

Như vậy, kể cả trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của anh (chị) là hợp pháp, nhưng anh (chị) vẫn vi phạm cam kết là không làm việc đủ 05 năm cho Công ty. Do đó, anh (chị) vẫn có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo. Tuy nhiên, mức bồi thường ở đây chỉ là chi phí mà công ty đã bỏ ra để cho bạn đi đào tạo là 14 triệu đồng (theo như anh, chị trình bày ở trên), mà không phải là 42 triệu đồng. Thỏa thuận bồi thường gấp 03 lần chi phí đào tạo là không phù hợp với pháp luật lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nên sẽ không được công nhận.

Trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm phạm, anh (chị) có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.