-->

Thế chấp và cầm cố, những điểm khác biệt cơ bản

Thế chấp và cầm cố tài sản đều là một trong các hình thức nhận tài sản đảm bảo để vay vốn thì có những điểm khác biệt như thế nào. Căn cứ, quy định của pháp luật, chúng tôi đưa ra ý kiến tư vấn cụ thể về vấn đề này như sau:

Phân biệt thế chấpcầm cố. Quy định của pháp luật về thế chấp và cầm cố.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, về khái niệm thế chấp và cầm cố:

Theo quy định tại Điều 317, Bộ luật dân sự 2015 thì hoạt động thế chấp tài sản việc vay nợ giữa hai bên mà một bên (mà ta gọi là bên thế chấp) sử dụng khối tài sản mà mình đang có quyền sở hữu đem đi bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng mình vẫn trực tiếp quản lý và sẽ không giao khối tài sản này cho bên cho vay (mà ta gọi là bên nhận thế chấp).

Theo quy định tại Điều 309, Bộ luật dân sự 2015 thì việc cầm cố tài sản ở đây được hiểu đó là việc một bên (mà ta gọi là bên cầm cố) thực hiện việc giao tài sản mà mình đang có quyền sở hữu cho bên kia (mà ta gọi là bên nhận cầm cố) nhằm mục đích đảm bảo trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Như vậy, ta thấy thế chấp là việc bên thế chấp chỉ giao các giấy tờ pháp lý chứng minh về quyền sở hữu đối với khối tài sản đem đi thế chấp cho bên nhận thế chấp mà không chuyển giao khối tài sản cho bên nhận thế chấp giữ. Còn cầm cố được hiểu là bên cầm cố đem khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình chuyển giao cho bên nhận cầm cố.

Thứ hai, về đối tượng của cầm cố và thế chấp:

Đối tượng của hình thức thế chấp có thể là bất động sản, động sản hay tài sản hình thành trong tương lai, tài sản đang cho thuê, cũng như các hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê tài sản trong trường hợp các bên có thỏa thuận và pháp luật có quy định. Lưu ý nếu tài sản đem đi thế chấp mà có bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm đó cũng có thể đem ra thế chấp. Đối với tài sản thế chấp có bảo hiểm:

  • Nếu tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp có trách nhiệm thông báo về việc tài sản có bảo hiểm đó được bên thế chấp đem đi thế chấp cho tổ chức bảo hiểm biết. Tổ chức bảo hiểm thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp đến cho bên nhận thế chấp.
  • Nếu trong trường hợp mà bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc đó là tài sản bảo hiểm ở đây đang diễn ra việc đó là được bên thế chấp đem đi thế chấp thì tổ chức bảo hiểm vẫn tiến hành thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền bảo hiểm cho bên nhận thế chấp.

Khác hoàn toàn với thế chấp, cầm cố được hiểu là việc đưa, giao khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để đảm bảo về khoản tiền vay nên đối tượng của cầm cố ở đây được xác định thường là động sản, hay các các giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu…

Thứ ba, về hiệu lực đối kháng với người thứ ba:

Việc thế chấp tài sản phát sinh có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được xác định bắt đầu kể từ thời điểm ký vào hợp đồng thế chấp tài sản.

Còn cầm cố tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba được tính bắt đầu kể từ thời điểm bên cầm cố chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố và bên nhận cầm cố nắm giữ khối tài sản đó. Trừ trường hợp tài sản cầm cố là bất động sản thì ở đây hiệu lực đối kháng với người thứ ba được tính như đối với việc thế chấp tài sản đó là tính từ thời điểm đăng ký cầm cố.

Thứ tư, về nghĩa vụ của bên thế chấp, bên cầm cố:

Đối với nghĩa vụ của bên thế chấp thì: bên thế chấp phải thực hiện công việc đó là giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bên thế chấp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp. Nếu trong quá trình bảo quản, giữ gìn hay sử dụng khai thác tài sản thế chấp mà giá trị tài sản đó có dấu hiệu bị giảm sút hoặc mất giá trị thì phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để khắc phục kịp thời, kể cả ở đây phải áp dụng biện pháp đó là tạm ngừng hay ngừng việc khai thác công dụng khối tài sản thế chấp đó. Trường hợp tài sản đang trong thời gian đem đi thế chấp mà bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên nhận thế chấp sẽ cho phép bên thế chấp tiến hành việc sửa chữa hoặc nếu phải thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương ứng với tài sản thế chấp, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác về trường hợp này giữa hai bên. Phải cung cấp chính xác về thực trạng hiện tại của tài sản đem đi thế chấp cho bên nhận thế chấp. Bên thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp khi thuộc vào một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định cụ thể tại Điều 299 của Bộ luật dân sự 2015. Nếu việc thế chấp có liên quan đến người thứ ba thì bên thế chấp có trách nhiệm đó là thông báo ngay cho bên thứ ba được biết về các quyền của họ đối với tài sản thế chấp (nếu có), trường hợp nếu bên thế chấp không tiến hành việc thực hiện việc thông báo đúng theo quy định thì bên nhận thế chấp ở đây có quyền hủy bỏ hợp đồng thế chấp đó đồng thời có quyền yêu cầu bên thế chấp bồi thường thiệt hại hoặc tiếp tục cho duy trì hợp đồng thế chấp và chấp nhận quyền của người thứ ba trong khối tài sản thế chấp đó. Khi tài sản đang ở trạng thái thế chấp thì bên thế chấp không được thực hiện các việc như bán, thay thế, trao đổi hay tặng cho tài sản đã đem đi thế chấp trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 321, Bộ luật dân sự 2015.

Còn đối với nghĩa vụ của bên cầm cố thì: giao tài sản đem cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Trường hợp việc cầm cố tài sản có liên quan đến người thứ ba thì phải báo cho bên nhận cầm cố biết về quyền của người thứ ba. Nếu bên cầm cố không thực hiện việc thông báo đến cho bên nhận cầm cố được biết về việc này thì bên nhận cầm cố hoàn toàn có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng cầm cố tài sản và kèm theo đó là buộc bồi thường thiệt hại hoặc có thể cho tiếp tục duy trì hợp đồng và cho phép về quyền của người thứ ba trong khối tài sản cầm cố đó. Khi giao tài sản cho bên nhận cầm cố thì bên cầm cố sẽ phải thực hiện việc thanh toán cho bên nhận cầm cố một số tiền chi phí hợp lý cho việc bảo quản tài sản cầm cố trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Thứ năm, về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, nhận cầm cố:

Về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp: trả lại các giấy tờ mà bên thế chấp đã đưa khi ký kết sau khi chấp dứt, thực hiện xong việc thế chấp tài sản giữa hai bên đối với trường hợp các bên có thỏa thuận đó là việc bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp. Khi bên thế chấp không thể đảm bảo được việc thanh toán đúng trong hợp đồng thế chấp đã thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.

Còn về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố: có trách nhiệm bảo quản khối tài sản mà bên cầm cố giao cho, nếu trong quá trình bảo quản mà làm mất, hư hỏng hoặc thất lạc mất tài sản cầm cố thì đương nhiên phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố. Nếu không có thỏa thuận về việc được hưởng các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản cầm cố, hay cho mượn, cho thuê, cũng như tự ý khai thác công dụng của tài sản cầm cố đó thì không được thực hiện, hay hưởng lợi từ khối tài sản cầm cố. Bên nhận cầm cố cũng không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác không liên quan đến việc cầm cố tài sản của bên cầm cố. Khi bên cầm cố đã hoàn trả lại tiền, thực hiện xong việc cầm cố tài sản hoặc đã đưa ra được biện pháp bảo đảm khác thay thế thì bên nhận cầm cố có nghĩa vụ trả lại tài sản cầm cố và các giấy tờ liên quan cho bên cầm cố theo đúng quy định.

Thứ sáu, quyền của bên thế chấp, bên cầm cố:

Về quyền của bên nhận thế chấp: được khai thác công dụng, cũng như hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Được quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp. Khi tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đó đang được người thứ ba nắm giữ thì nhận lại tài sản từ người thứ ba mà nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc đã được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. Nếu tài sản đem đi thế chấp ở đây là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, hay kinh doanh của bên thế chấp thì bên thế chấp được phép bán, trao đổi hay thay thế đối với khối tài sản đó và việc này bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu đối với bên mua thực hiện thanh toán tiền, và số tiền thu được từ việc bán, hay tài sản được hình thành từ số tiền thu được, tài sản khác được thay thế hoặc trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Nếu tài sản đem đi thế chấp được xác định ở đây là kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thể hàng hóa có trong kho, nhưng việc thay đổi đó phải đảm bảo vẫn giữ nguyên giá trị của hàng hóa như đã thỏa thuận. Nếu được bên nhận thế chấp đồng ý cho phép về việc này thì bên thế chấp có thể thực hiện việc bán, cho tặng hay trao đổi tài sản thế chấp mà không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình thế chấp tài sản thì bên thế chấp được quyền thực hiện việc cho thuê, hay cho mượn tài sản thế chấp nhưng cần lưu ý là phải thông báo cho bên thuê, bên mượn được biết về việc tài sản đó đang được đem đi thế chấp đồng thời thực hiện việc thông báo cho bên nhận thế chấp được biết về việc này.

Còn về quyền của bên cầm cố: khi có căn cứ được quy định tại khoản 3, Điều 314, Bộ luật dân sự 2015 thì bên cầm cố được quyền yêu cầu bên nhận cầm cố phải thực hiện chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố đó nếu do việc sử dụng dẫn đến việc tài sản cầm cố có nguy cơ bị giảm sút hay mất giá trị. Khi nghĩa vụ đã được bảo đảm bằng hình thức cầm cố chấm dứt thì có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố. Nếu trong quá trình bảo quản tài sản cầm cố mà có thiệt hại xảy ra thì yêu cầu bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại. Nếu được bên nhận cầm cố đồng ý thì bên cầm cố được bán, thay thế, trao đổi hay tặng cho tài sản cầm cố.

Thứ bẩy, về quyền của bên nhận thế chấp, bên nhận cầm cố:

Về quyền của bên nhận thế chấp đó là: thực hiện các việc như xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp nhưng bên cạnh việc xem xét, kiểm tra trực tiếp đó phải đảm bảo việc rằng là không gây khó khăn hay cản trở cho việc sử dụng, khai thác cũng như hình thành đối với khối tài sản đem đi thế chấp đó. Có quyền yêu cầu đối với bên thế chấp về việc phải cung cấp thông tin thực trạng hiện tại của tài sản thế chấp. Khi xét thấy có nguy cơ có thể làm mất giá trị hoặc giảm sút phần nào giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng của bên thế chấp gây ra thì yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn khối tài sản đó. Khi rơi vào trường hợp có người thứ ba đang nắm giữ tài sản hoặc bên thế chấp nắm giữ tài sản và bên thế chấp không tiến hành thực hiện hoặc thực hiện không đúng đối với nghĩa vụ của họ thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu người thứ ba hoặc bên thế chấp giao tài sản cho mình. Bên nhận thế chấp được quyền giữ đối với các giấy tờ liên quan trực tiếp đến khối tài sản thế chấp trong trường hợp mà các bên có thỏa thuận. Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 299, Bộ luật dân sự 2015 thì có quyền xử lý tài sản thế chấp.

Còn về quyền của bên nhận cầm cố: nếu có việc sử dụng trái phép hay chiếm hữu tài sản cầm cố thì yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái phép đó trả lại tài sản. Có quyền xử lý tài sản cầm cố đúng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp có thỏa thuận về việc được hưởng đối với các khoản hoa lợi, lợi tức phát sinh, hình thành từ tài sản cầm cố, hay khai thác các công dụng của tài sản cầm cố tạo ra cũng như việc cho thuê, cho mượn thì bên nhận cầm cố được hưởng các quyền lợi này. Khi thực hiện việc bảo quản tài sản cầm cố thì khi trả lại tài sản bên nhận cầm cố sẽ được thanh toán chi phí từ bên cầm cố.

Thứ tám, về thời gian chấm dứt việc thế chấp, cầm cố:

Thế chấp tài sản được chấm dứt trong các trường hợp cụ thể đó là: Tài sản đem đi thế chấp đã được xử lý; hai bên đã có thỏa thuận về thời gian chấm dứt; việc sử dụng tài sản đó để thế chấp đã được hủy bỏ hoặc thay thế bằng một biện pháp bảo đảm khác.

Còn cầm cố tài sản được chấm dứt trong trường hợp cụ thể đó là: nghĩa vụ thanh toán được đảm bảo bằng việc cầm cố tài sản chấm dứt; tài sản cầm cố đó đã được xử lý; việc cầm cố tài sản bị hủy bỏ hoặc đã được áp dụng thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; hai bên đã có thỏa thuận về thời gian chấm dứt.

Bài viết thực hiện bởi: luật gia Đặng Thị Linh Phương - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].