-->

So sánh trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định chi tiết về trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm. Tuy hai loại trợ cấp này khác nhau về trường hợp làm phát sinh, nhưng có cách xác định đối tượng hưởng giống nhau (cho nên gọi chung là trợ cấp).

Hợp đồng lao động chấm dứt theo một trong các trường hợp sau (Điều 36 Bộ luật lao động 2012): (1). Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này; (2). Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; (3) Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.; (4) Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này; (5) Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án; (6) Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; (7) Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; (8) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này; (9) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này; (10) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Luật sư tư vấn pháp luật lao động - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật lao động - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Điểm khác biệt giữa trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Trợ cấp thôi việc

Trợ cấp mất việc làm

Cơ sở pháp lý

Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012

Khoản 1 Điều 49 Bộ luật lao động 2012

Trường hợp làm phát sinh

Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương

Mức chi trả trợ cấp

Mỗi năm làm việc tính hưởng trợ cấp, người lao động nhận trợ cấp bằng ½ (một nửa) tháng tiền lương. Tiền lương tính trả Trợ cấp là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi hợp đồng lao động chấm dứt.

Mỗi năm làm việc tính trả trợ cấp, người lao động nhận trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương; nhưng, nếu thời gian làm việc tính trả trợ cấp ít hơn 18 tháng thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương. Tiền lương tính trả Trợ cấp là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi hợp đồng lao động chấm dứt.

Luật gia Âu Thị Minh Nguyệt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Âu Thị Minh Nguyệt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tuy hai loại trợ cấp này khác nhau về trường hợp làm phát sinh và mức chi trả trợ cấp, nhưng có cách xác định mức chi trả trợ cấp giống nhau (cho nên, sau đây gọi chung là trợ cấp); cụ thể như sau:

Thứ nhất, chỉ những người lao động có tổng thời gian thực tế làm việc cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mới xem xét tính trả trợ cấp

Tổng thời gian làm việc thực tế của người lao độnglà tổng thời gian người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp theo các HĐLĐ (Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP), bao gồm cả những khoảng thời gian sau: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.

Thứ hai, khi người lao động được xem xét trả trợ cấp, doanh nghiệp sẽ xác định thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp của những người lao động đó.

Thời gianlàm việc để tính hưởng trợ cấp = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế - Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và Thời gian làm việc đã được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc trước đây (nếu có).

Thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Một điểm cần lưu ý là, người lao động bắt buộc phải tham gia Bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: (a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; (b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; (c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (Khoản 1 Luật việc làm năm 2013). Căn cứ vào loại hợp đồng mà người lao động giao kết với người sử dụng lao động, nếu thuộc một trong các loại hợp đồng nêu trên thì công ty bạn bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo quy định về cách xác định mức chi trả trợ cấp, thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được tính để trả trợ cấp thôi việc. Người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp từ khi bắt đầu làm việc thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không có nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Trong trường hợp này, người lao động sẽ được hưởng chế độ trợ cấp do bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Âu Thị Minh Nguyệt - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7): 1900 6198.