Quyền lợi đối với người quản lý di sản phục vụ việc thờ cúng

Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý

Hỏi: Hiện nhà mẹ tôi đang ở là đất đai, nhà ở của ông bà và ông bà cũng đã mất từ rất lâu khoảng trên 30 năm cũng không để lại di chúc gì. Ông bà có tổng cộng 10 người con 5 người trai và 5 nữ trong đó có 1 người trai đã mất hơn 10 năm rồi. Ngày xưa thì nhà ông bà tôi không có giấy tờ sổ đỏ,sổ hồng gì cả, mãi đến năm 2012 thì mọi người mới làm sổ đỏ cho nhà cửa được hợp pháp và có giá trị hơn. Trước khi làm sổ tất cả người con của ông bà trừ người đã mất có lên phường để ký giấy nhượng quyền đứng tên cho Ông Đỗ Văn Xuân là người thứ 3 trong nhà, Mẹ tôi là chị cả mặc dù đứng chủ hộ khẩu nhưng ngày trước do mẹ tôi là nữ lại góa chồng nên mấy anh em không đồng ý cho mẹ tôi đứng tên trên sổ đỏ của nhà mặc dù mẹ tôi là người hương khói cho ông bà mấy chục năm nay, làng xóm láng giềng ai cũng rõ. Và nội dung ghi trên giấy đồng ý đứng tên là "Cho phép đứng tên trên sổ nhà để thờ cúng không cho phép chuyển nhượng. mua bán". Nhưng hiện nay nhà tôi đã sập xệ do xây lâu ngày không tu bổ thì ông Đỗ Văn Xuân này dự định sẽ đứng ra xây sửa lại nhà với cốt yếu sau này để lại cho con trai mình, và nói ra vào nếu các người con gái ở trong nhà nếu không biết an phận thì đuổi ra khỏi nhà.Và trên bản đồ vẽ sơ đồ để xây nhà cũng không có phòng dành cho mẹ tôi, chỉ là dự cho mẹ tôi cái chỗ ngủ để sau này mẹ tôi có chết thì tháo gỡ ra dễ dàng không phải đập phá nữa.Mẹ tôi có 3 người con 2 trai và 1 gái là tôi, tôi hiện đã đi lấy chồng xa vài năm mới về lần, còn anh anh hai tôi cũng ở riêng và cũng gần ở đấy, chỉ còn duy nhất anh cả của tôi là còn tên trong sổ hộ khẩu mà thôi.Tôi rất bức xúc và bất bình vì cách đối xử của vợ chồng ông cậu tôi Đỗ Văn Xuân về sự việc nhà ấy là nhà tổ, nhà của ông bà, không ai có quyền được phép đuổi một trong người trong nhà cả, kể cả con cháu sau này có vất vả cũng có thể về nhà ấy mà ở, không được phép đuổi ai. Tôi kính nhờ luật sư tư vấn giúp tôi:

1. Mẹ tôi có quyền hạn như thế nào trong nhà ấy,
2. Mẹ tôi phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi của mẹ tôi và các con của bà sau này.
3. Chẳng may mẹ tôi khuất núi thì chúng tôi là các con của bà có quyền lợi gì trong cái nhà ấy hay không? (Thu Hà - Hà Giang)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về quyền hạn của mẹ bạn trong trường hợp này:

Theo thông tin mà bạn cung cấp đó là mẹ bạn được đồng ý Cho phép đứng tên trên sổ nhà để thờ cúng không cho phép chuyển nhượng, mua bán.

Vậy trường hợp này mẹ bạn là người quản lý
đối với di sản này

Theo quy định tại điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005:
“1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.


Điều 638 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

“1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.

2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý”.

Điều 640 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về Quyền của người quản lý di sản:

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế”.

Đồng thời mẹ bạn có các nghĩa vụ sau:

Theo quy định tại điều 639 Bộ luật dân sự năm 2005:

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế”.

Mẹ bạn có thể thỏa thuận để được hưởng thù lao trong việc quản lý đối với người đồng thừa kế.

Thứ hai, Mẹ tôi phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi của mẹ tôi và các con của bà sau này.

Đứng trên phương diện pháp luật mẹ bạn là người quản lý di sản thừa kế này. Mẹ bạn cũng không là chủ sở hữu đối với di sản trên. Do vậy mà quyền lợi mẹ bạn chỉ có thể cung cấp được chứng cứ chứng minh cho việc quản lý là hợp pháp và mẹ bạn có thể được hưởng thù lao cho việc quản lý đó

Thứ ba, Chẳng may mẹ tôi khuất núi thì chúng tôi là các con của bà có quyền lợi gì trong cái nhà ấy hay không ạ?

Vì mẹ bạn là người được chỉ định về quản lý, không phải là người sở hữu đối với di sản này do vậy việc chuyển nhượng hay để lại thừa kế không đặt ra trong trường hợp khi mẹ bạn chết.

Vậy nên trường hợp này những người con cũng không có quyền lợi gì!

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.