Tại Việt Nam, giấy phép kinh doanh tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động, giấy xác nhận, giấy phê duyệt, thông báo chấp thuận….
Làm rõ các vấn đề liên quan tới giấy phép kinh doanh:
Khái niệm giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép chủ thể kinh doanh tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh nhất định. Giấy phép kinh doanh là công cụ quản lý nhà nước mà hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng với các mức độ khác nhau. Thông qua cơ chế xin phép – cho phép, nhà nước quản lý chặt chẽ hơn đối với một số ngành nghề mà việc kinh doanh đòi hỏi đáp ứng những điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn cho khách hàng và xã hội. Pháp luật hiện hành quy định: doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh các ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh hoặc có đầy đủ điều kiện kinh doanh.
Đặc điểm của giấy phép kinh doanh
- Về phạm vi áp dụng: giấy phép kinh doanh không áp dụng phổ biến đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Xuất phát từ mục đích quản lý nhà nước, Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh mà người kinh doanh phải đáp ứng khi hoạt động trong một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Đây là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chủ thể thực hiện nó phải có giấy phép kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn trong khi hoạt động.
- Về đối tượng áp dụng: bao gồm các chủ thể là cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh.
- Ý nghĩa pháp lý của giấy phép kinh doanh thể hiện sự xác nhận của Nhà nước về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mà pháp luật quy định. Tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, điều kiện quy định có thể là yêu cầu về phòng chống cháy nổ, yêu cầu về cơ sở vật chất tối thiểu, về vệ sinh an toàn thực phẩm,… chủ thể kinh doanh chỉ được cấp giấy phép kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện đó.
- Thời điểm cấp: giấy phép kinh doanh được cấp khi chủ thể kinh doanh được thành lập hợp pháp, tức là khi tổ chức, cá nhân… đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo và hướng dẫn về điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ngành nghề đó.
- Thầm quyền cấp: giấy phép kinh doanh không do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp mà do các cơ quan nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực cấp như Bộ văn hóa thông tin, Bộ xây dựng, Tổng cục bưu chính viễn thông…
- Hình thức văn bản: trong nhiều văn bản khác nhau, giấy phép kinh doanh được gọi với nhiều tên gọi khác như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy xác nhận, giấy phép hoạt động,… (khoản 2 điều 9 Nghị định 118/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, chúng đều có chung những đặc điểm và đều là cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh những ngành nghề có điều kiện.
Phân loại giấy phép kinh doanh
Bản chất của giấy phép kinh doanh là việc cơ quan nhà nước cho phép doanh nghiệp (hoặc chủ thể kinh doanh khác) hoạt động kinh doanh trong một ngành nghề kinh doanh nhất định, vì vậy giấy phép kinh doanh luôn gắn liền với ngành nghề kinh doanh. Từ đó, ta có thể xác định giấy phép kinh doanh được cấp theo từng ngành, lĩnh vực:
- Giấy phép kinh doanh thuộc ngành thương mại, ví dụ: Giấy phép kinh doanh thuốc lá, giấy phép kinh doanh rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu,…
- Giấy phép kinh doanh thuộc ngành văn hóa thông tin, ví dụ: giấy phép hoạt động karaoke, vũ trường, giấy phép hoạt động ngành in, giấy phép cung cấp thông tin trên mạng internet…
- Giấy phép kinh doanh thuộc ngành tài chính, ngân hàng, ví dụ: giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế,…
- Giấy phép kinh doanh thuộc ngành công nghiệp, ví dụ: giấy phép khảo sát khai thác chế biến khoáng sản, giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, quyết định cho phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…
- Giấy phép kinh doanh thuộc ngành công an: giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép vận chuyển vật liệu nổ…
- Giấy phép kinh doanh thuộc các ngành kinh tế khác,…
Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Đặng Thị Linh Phương - Công ty Luật TNHH Everest
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: i[email protected].
Bình luận