-->

Quy định thừa kế thế vị trong Bộ luật dân sự năm 2015

Thừa kế thế vị là một nội dung đặc biệt cần lưu ý trong các quy định về thừa kế. Trường hợp con cái chết trước hoặc cùng thời điểm hưởng di sản, thì cháu hoặc chắt sẽ được hưởng thừa kế.

"Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống" - Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS).

Luật sư tư vấn pháp luật tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo quy định đó, thì thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố, mẹ để nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; chắt sẽ thay thế vị trí của bố mẹ cháu để nhận di sản thừa kế từ cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết trước hoặc cùng thời điểm với những người để lại di sản. Phần di sản mà con, cháu được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế là phần tài sản thừa kế mà bố hoặc mẹ của mình được hưởng nếu con sống vào thời điểm mở thừa kế. Theo đó, cá điều kiện để áp dụng quy định về thừa kế thế vị là:

Thứ nhất, con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản, trong trường hợp này cháu là người được thừa kế thế vị; trường hợp cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt (tức con của cháu nội, cháu ngoại) sẽ được thừa kế thế vị, hưởng phần tài sản thừa kế mà cha, mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Vì vậy, điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị là việc cha/mẹ của cháu, chắt chết trước hoặc cùng thời điểm với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Thứ hai, người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và là con của người được hưởng tài sản thừa kế. Hay nói cách khác, chỉ có con được hưởng thế vị của cha, mẹ chứ bố mẹ không được thế vị con để hưởng thừa kế của các ông bà, cụ trong trường hợp này.

Thứ ba, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết - bắt nguồn từ quy định trong Điều 613 về người thừa kế: "Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."

Thứ tư, khi còn sống, cha/mẹ của người được thế vị phải có quyền hưởng di sản của người chết. Trong trường hợp bị tước hoặc truất quyền thừa kế thì con, cháu không thể thế vị.

Thứ năm, thừa kế thế vị chỉ đặt ra trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, không đặt ra trong trường hợp thừa kế theo di chúc.

Như vậy, thừa kế thế vị chỉ xảy ra ở hàng thừa kế thứ nhất. Trong hàng thừa kế thứ nhất, người thừa kế thế vị được hưởng di sản chỉ có thể là cháu hoặc chắt. Được hiểu là sự thế vị chỉ áp dụng với những đối tượng đến đời thứ ba với điều kiện người được thế vị phải sống vào thời điểm người để lại di sản chết. Cháu, chắt chưa sinh ra khi ông bà, cụ chết nhưng đã thành thai khi ông bà, cụ sống thì cũng là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà, cụ nội, cụ ngoại, nhưng khi sinh ra phải còn sống.

Có quan điểm cho rằng người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ huyết thống, trực hệ với người để lại di sản thừa kế, tuy nhiên BLDS cũng đã quy định rõ, con nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị của bố, mẹ nuôi - theo Điều 653: "Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này".

Di sản thừa kế sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế thế vị, không phân biệt con đẻ, con nuôi.

Luật gia Nguyễn Thị Liên - Phòng Dân sự - Thương mại, Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].