Phó giám đốc có được ký kết hợp đồng lao động với nhân viên không?

Phó giám đốc công ty có thể ký kết hợp đồng lao động với nhân viên với điều kiện là đã có ủy quyền hoặc phó giám đốc chính là người đại điện theo pháp luật của công ty.

[?] Tôi mới ký hợp đồng lao động với một công ty. Tuy nhiên, hợp đồng lao động của tôi không phải giám đốc kí mà do phó giám đốc ký. Đề nghị luật sư tư vấn, phó giám đốc có được quyền ký kết hợp đồng lao động không? (Lâm Thị Kim Dung - Nam Định).

.
Luật sư tư vấn pháp luật qua Tổng đài tư vấn (24/7) 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Chuyên viên tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Nghị định 44/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về Hợp đồng lao động thì người có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động tham gia ký kết hợp đồng lao động gồm:

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã;

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có sử dụng lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động;

- Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền đối với cơ quan, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại điện của nước ngoài hoặc quốc tế đóng tại Việt Nam;

- Chủ hộ hoặc người đại diện hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động;

- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Như vậy, đối với người sử dụng lao động là công ty, người có thẩm quyền đại diện tham gia ký kết hợp đồng lao động là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền. Luật Doanh nghiệp không quy định chức danh cụ thể của người đại diện theo pháp luật. Do đó, ai là người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ do công ty tự quyết định, được quy định trong Điều lệ công ty và được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp(có thể là Giám đốc, Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng,...).

Việc Phó giám đốc đại diện cho công ty ký kết hợp đồng lao động có đúng thẩm quyền hay không cần phải căn cứ vào việc Phó giám đốc có phải là người đại diện theo pháp luật của công ty hay không hoặc có được người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền ký hợp đồng lao động không. Trường hợp Phó giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty nhưng được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ký hợp đồng lao động thì việc Phó giám độc đại diện ký hợp đồng lao động là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Phó giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật cũng không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền mà ký hợp đồng lao động là sai thẩm quyền và có thể dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].