-->

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa...

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp được quy định chung trong Hiến pháp và được cụ thể hoá và phân định riêng đối với từng cấp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (tỉnh, huyện, xã) tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003. Sau đây là nhiệm vụ, quyền hạn của tất cả các cấp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của mỗi cấp được nêu ở chừng mực nhất định khi cần thiết.

Luật sư tư vấn pháp luật hành chính - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hành chính - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Thứ nhất, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân được pháp luật quy định là xuất phát từ vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân với tính cách là cơ quan chính quyền Nhà nước trong hệ thống bộ máy Nhà nước thống nhất. Hội đồng nhân dân thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn theo phân cấp quản lý của chính quyền cấp trên, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương đồng thời phát huy quyền chủ động sáng tạo của địa phương.

Mặt khác, như đã nói ở trên, Hội đồng nhân dân là hình thức quản lý địa phương kiểu mới. Nó bao quát và thống nhất trong mình những cơ cấu do nó lập ra để phân công, phân nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (như Thường trực, Uỷ ban nhân dân, các ban). Những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật qui định cho Hội đồng nhân dân ở những nét chung nhất là hàm ý qui định cho cơ quan chính quyền địa phương ở cấp đó mà Hội đồng nhân dân là cơ quan chủ đạo, bao quát. Việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đó sau này sẽ được phân định cụ thể cho bản thân Hội đồng nhân dân (kỳ họp Hội đồng nhân dân) hay Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân tuỳ thuộc mức độ và tính chất của vấn đề.
Nhiệm vụ (chức năng) cơ bản nhất của Hội đồng nhân dân với tính cách là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương là "căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, ra nghị quyết về các biện pháp đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước" (Điều 120 Hiến pháp năm 1992). "Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương; xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương. (Điều 1 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003).

Tựu trung lại chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân thể hiện trên ba hướng: một là, quyết định các biện pháp quản lý địa phương; hai là, tổ chức thực hiện các quyết định và ba là, giám sát việc thực hiện các quyết định và hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác. Như vậy, pháp luật nước ta nhìn nhận Hội đồng nhân dân là một cơ quan quản lý địa phương toàn quyền và thống nhất. Tính toàn quyền và chủ đạo của Hội đồng nhân dân thể hiện ở chỗ nó là cơ quan vừa quyết định các biện pháp (ban hành nghị quyết) vừa tổ chức thực hiện các quyết định và giám sát thực hiện các quyết định đó. Đương nhiên Hội đồng nhân dân không làm hết tất cả mà lập ra các cơ cấu của mình để phân giao, phân nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung.

Trong số các phương hướng hoạt động chủ yếu đó thì chức năng quyết định và chức năng giám sát được Hội đồng nhân dân trực tiếp thực hiện nhiều hơn cả. Ở đây chức năng quyết định là đặc trưng nổi bật của Hội đồng nhân dân với tính cách là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Điều này phân biệt Hội đồng nhân dân nước ta với các Hội đồng tự quản (thực chất là Hội đồng tư vấn) ở một số đơn vị hành chính các nước tư bản.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, Hội đồng nhân dân, mặc dù được coi là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan có quyền quyết định, song nó không phải là một "Quốc hội địa phương" có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở địa phương. Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý địa phương trong khuôn khổ qui định của pháp luật tức là thi hành, chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề được giao ở địa phương. Với ý nghĩa đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước và quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tìm hiểu thêm thông tin tại Luật hành chính hiện hành

Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân qui định chung cho tất cả các cấp theo từng lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong lĩnh vực kinh tế Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương biện pháp nhằm phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, đảm bảo quyền tự chủ sản xuất, kinh
doanh của các cơ sở kinh tế theo qui định của pháp luật, dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách của địa phương;

2. Chủ trương, biện pháp phân bố lao động và dân cư ở địa phương;

3. Biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở địa phương theo qui định của pháp luật;

4. Biện pháp thực hiện chính sách tiết kiệm trong hoạt động quản lý của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình, giáo dục thanh niên, bảo vệ chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng, xây dựng nếp sống văn minh, giáo dục truyền thống, đạo đức tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, chống các tệ nạn xã hội và những biện pháp không lành mạnh trong đời sống xã hội ở địa phương;

2. Chủ trương, biện pháp giải quyết việc làm và cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lãnh đạo, cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương;

3. Chủ trương, biện pháp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ chăm sóc người già, bà mẹ, trẻ em, thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;

4. Chủ trương, biện pháp thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội.

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Chủ trương, biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu, phat huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương;

2. Chủ trương, biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường ở địa phương theo qui định của pháp luật;

3. Biện pháp thực hiện các qui định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả trên địa phương, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân quyết định:
1. Biện pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân, đảm bảo thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ thực hiện nhiệm vụ động viên chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang trong nhân dân ở địa phương;

2. Biện pháp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa và phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương;
Trong lĩnh vực thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo, Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Biện pháp đảm bảo thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc, đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường khối đại đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc ở địa phương;

2. Biện pháp đảm bảo chính sách tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương;

Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Biện pháp đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, Luật và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương;

2. Biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

3. Biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, bảo hộ tài sản của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở địa phương;

4. Biện pháp đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo qui định của pháp luật.

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân quyết định:

1. Bầu, miễn nhiệm, bãi miễn Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực (ở cấp tỉnh và huyện) Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu;

2. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;

3. Bãi bỏ những quyết định sai trái của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, những quyết
định sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp;

4. Quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội
đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng ddến lợi ích của nhân dân;

5. Thông qua đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xét.

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Thứ hai, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân

Với tính cách là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Tương tự như đối với Hội đồng nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân được Hiến pháp quy định những nét cơ bản tại điều 123 và được Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân mới (năm 2003) quy định cụ thể và phân định theo theo từng cấp Uỷ ban nhân dân. Ở đây chỉ nêu chung cho tất cả các cấp và nêu một cách tổng quát nhất.

Trong lĩnh vực kinh tế, Uỷ ban nhân dân xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, trình Hội đồng nhân dân thông qua, trình Uỷ ban nhân dân cấp trên phê duyệt; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đó; lập dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách; tổ chức thực hiện ngân sách; thực hiên đại diệnchủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp, thuỷ lợi và đất đai, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo và kiểm tra thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi trên địa bàn; các chương trình khuyến nông, khuyến ngư...

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức quản lý đối với các doanh nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển công nghiệp; tổ chức thực hiện việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương...

Trong lĩnh vực giao thông, vận tải, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và thực hiệnquy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông; tổ chức quản lý các công trình giao thông đô thị, đường bộ, đường thuỷ; tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định kỹ thuật an toàn phương tiện cơ giới; tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra, bảo vệ công trình giao thông...

Trong lĩnh vực xây dựng, quản lí và phát triển đô thị, Uỷ ban nhân dân tổ chức việc lập, trình duyệt hoặc xét duyệt theo thẩm quyền các quy hoạch xây dựng vùng, xây dựng đô thị trên địa bàn; quản lý đầu tư, khai thác sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quản lý việc khai thác và sản xuất kinh doanh...

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Uỷ ban nhân dân lập quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới thương mại, du lịch, dịch vụ; cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh; quy định các quy tắc về an toàn và vệ sinh trong hoạt động thương mại...

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo,văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, y tế và xã hội, Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước đối với các loại hình trường, lớp các hoạt động văn hoá, các đơn vị y tế trực thuộc; chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ nhân dân...

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ mô trường, quản lý sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ...

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, Uỷ ban nhân dân bảo đẩm an ninh chính trị, an topàn xã hội; thực hiên các biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang; chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ...

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc, tôn giáo; bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc; xem xét giải quyết các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương...
Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ở địa phương; tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư của các cơ quan Nhà nước cấp trên; chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tiếp dân, trực tiếp xét, giải quyết và chỉ đạo các ngành, các cấp thuộc quyền mình, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân; tổ chức công tác thanh tra Nhà nước; chỉ đạo công tác thi hành án, quản lý hộ tịch; thực hiện công tác tư pháp khác...

Trong việc xây dựng chính quyền, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo thực hiện công tác bầu cử; quy định tổ chức bộ máy, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn; cho phép lập hội, quản lý hướng dẫn kiểm tra việc thành lập và hoạt động của hội theo quy định của pháp luật; quản lý biên chế, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho cán bộ công chức; xây dựng đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...

Nội dung khác: Lịch tiếp công dân

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Uỷ ban nhân dân ra các quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thực hiện những văn bản đó; đình chỉ việc thi hành sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các ngành thuộc quyền mình và của Uỷ ban nhân dân cấp dưới; đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết đó.

Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật19006198, E-mail: [email protected].