Trường hợp bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra đường công cộng thì chủ sở hữu đó có quyền yêu cầu sử dụng bất động sản liền kề về lối đi.
Hỏi: Nhà tôi nằm ở cuối ngõ, phía ngoài là một hộ gia đình khác và khu vườn của họ. Nhà tôi bị các nhà khác bao xung quanh nên không có lối đi ra đường lớn. Do đó, từ trước tới giờ, nhà tôi đều đi nhờ qua vườn nhà hàng xóm. Sau khi con trai chủ hộ xây nhà riêng trên đất vườn thì anh ấy không cho gia đình tôi đi qua nữa. Tôi không rõ pháp luật có quy định về vấn này không? Giờ gia đình tôi phải làm thế nào? Tôi chân thành cám ơn! (Vũ Huy Long – Bình Phước)
Luật gia Phạm Thị Thanh Như - Tổ tư vấn pháp luật đất đai của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo thông tin anh cung cấp, gia đình anh bị bao bọc bởi các bất động sản khác khiến gia đình anh không có lối đi ra đường chung. Pháp luật hiện hành có quy định rõ về quyền đối với bất động sản liền kề, cụ thể tại Điều 245 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.
Như vậy, gia đình anh hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ sở hữu khu vườn (nay đã xây nhà) tiếp tục dành cho gia đình anh một lối đi hợp lý để đi ra đường công cộng. Đồng thời, gia đình anh phải đền bù cho chủ sở hữu này một khoản tiền do hai bên thỏa thuận.
Trong trường hợp, hộ gia đình hàng xóm kiên quyết không cho gia đình anh tiếp tục sử dụng lối đi ra đường công cộng hoặc hai bên không thỏa thuận được thì anh có thể soạn đơn và gửi ra Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình anh đang sinh sống yêu cầu giải quyết về vấn đề này.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận