-->

Nghỉ việc để chăm sóc con ốm có bị trừ lương không?

Người lao động có thể bị trừ lương theo quy định của pháp luật...

Hỏi: Vợ tôi là giáo viên đã công tác được 4 năm trong biên chế nhà nước. Vậy khi nghỉ việc để chăm sóc con ốm có bị trừ lương không? (Bùi Văn - Nghệ An)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm như sau: "1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; b) Cán bộ, công chức, viên chức; [...]". Vợ anh (chị) là giáo viên cho nên là đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Do đó, khi nghỉ chăm sóc con ốm dưới 7 tuổi thì vợ anh (chị) sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo điều 22 Luật bảo hiểm xã hội 2006, cụ thể: "Điều 22. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau: 1. Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau. 2. Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế".
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là hai mươi ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi; tối đa là mười lăm ngày làm việc nếu con từ đủ ba tuổi đến dưới bảy tuổi. Trường hợp cả hai vợ chồng anh (chị) cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia tiếp tục được hưởng. Mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Như vậy, đây là chế độ bảo hiểm mà vợ anh (chị) đương nhiên được hưởng từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nếu con anh (chị) trên 7 tuổi, khi nghỉ việc để chăm sóc con thì anh (chị) có thể xin nghỉ việc riêng theo Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012: “1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày; c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày. 2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. 3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương".
Khi anh (chị) thỏa thuận số ngày nghỉ đê chăm sóc con thì những ngày này anh (chị) không được hưởng lương.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.