Ngành nghề sản xuất thức ăn chăn nuôi có được hưởng phụ cấp độc hại?

Công việc không thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì người lao động không được hưởng phụ cấp độc hại.

Hỏi: Hiện nay e đang làm tại công ty chế biến thức ăn gia súc.Công việc của e là theo dõi giám sát, theo dõi đổ liệu.và luôn luôn phải ở dưới xưởng sản xuất .Môi trường làm việc rất bụi ,mắt hay bị đau, tiếng ồn, cũng như vấn đề về đường hô hấp. Em đã cùng mọi người hỏi về vấn đề trợ cấṕp độc hại nhưng được công ty trả lời là hiện nay chưa có nơi nào áp dụng trợ cấp độc hại với ngành nghề sản xuất thức ăn chăn nuôi.Vậy Luật sư có thể cho e biết công việc của bọn em có được hưởng trợ cấp độc hại hay không ? Nếu được thì nó được quy định tại đâu? Mức hưởng sẽ là bao nhiêu? (Trịnh Xuân Hươngv- Thái Nguyên).


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Điều 102 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương, theo đó “Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động”.
Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra danh sách các yếu tố đặc trưng để đánh giá điều kiện lao động của chức danh, công việc so với điều kiện lao động bình thường dựa trên 02 nhóm yếu tố cơ bản (với 20 yếu tố thành phần), bao gồm: “I. Nhóm yếu tố môi trường lao động: 1. Vi khí hậu (gồm: nhiệt độ không khí; bức xạ nhiệt, độ ẩm, tốc độ gió); 2. Áp lực không khí (gồm: áp lực khí quyển, áp lực không khí); 3. Nồng độ hơi khí độc; 4. Nồng độ bụi; 5. Tiếng ồn trong sản xuất; 6. Siêu âm; 7. Độ rung sóng; 8. Bức xạ điện tử giải tần số radio 9. Bức xạ ion hóa; 10. Các sinh vật có hại cho sức khỏe; II. Nhóm yếu tố tâm sinh lý lao động; 1. Mức tiêu hao năng lượng cơ thể; 2. Biến đổi tim mạch và hô hấp khi làm việc; 3. Mức chịu tải của cơ bắp khi làm việc; 4. Vị trí, tư thế lao động và đi lại trong khi làm việc; 5. Nhịp điệu cử động, số lượng động tác cử động của cơ thể; 6. Mức đơn điệu của lao động trong sản xuất dây chuyền; 7. Căng thẳng thị giác; 8. Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh; 9. Mức gánh tải thông tin; 10. Mức hoạt động não lực khi làm việc”.
Căn cứ Điều 11 Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động làm việc trong môi trường có các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 7% và cao nhất bằng 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường. Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố độc hại quy định: “1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau: a. Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; b. Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động). 2. Mức bồi dưỡng: a. Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau: Mức 1: 10.000 đồng; Mức 2: 15.000 đồng; Mức 3: 20.000 đồng; Mức 4: 25.000 đồng; b. Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo thông tư này”. Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể mức bồi dưỡng bằng hiện vật với từng người lao động được xác định như sau: a. Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suát bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên; b. Người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (10.000 đồng) đối với người lao động làm các công việc không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.” Căn cứ Nghị định 43/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, một trong những quyền đồng thời là trách nhiệm của Công đoàn cấp cơ sở trong việc thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; đại diện cho người lao động trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;..".
Theo thông tin anh (chị) cung cấp, công việc của anh (chị) không thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nên công ty anh (chị) không bắt buộc phải trả trợ cấp độc hại cho anh (chị). Nhưng qua quá trình kiểm tra môi trường lao động nếu có căn cứ chứng tỏ anh (chị) và những người lao động khác đang làm việc trong môi trường có các yếu tố nguy hiểm, độc hại và có kết quả giám định môi trường từ đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế thì có thể đề xuất yêu cầu với công đoàn lao động cấp cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc trả trợ cấp độc hại và mức trợ cấp độc hại trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động không đồng ý thì công đoàn có thể đại diện cho người lao động, tập thể người lao động tham gia các hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động hoặc của người lao động bị xâm hại.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.