-->

Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không bị áp dụng các chế tài mà pháp luật quy định khi có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm.

Luật sư tư vấn pháp luật thương mại - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hợp đồng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Đặc điểm của miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại

Cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng chính là ở chỗ họ không có lỗi khi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng. Nếu bên vi phạm hợp đồng có khả năng lựa chọn xử sự nào khác ngoài xử sự gây thiệt hại mà không lựa chọn thì bị coi là có lỗi và ngược lại, nếu không có khả năng lựa chọn xử xự khác thì được coi là không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Các trường hợp đươc miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm trong hợp đồng thương mại được quy định trong Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại năm 2005. Theo Khoản 2 điều 294 thì để được áp dụng các căn cứ miễn trách nhiệm thì bên có hành vi vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi. Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngày bằng văn bản cho bên kia về trường họp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra, nếu không thông báo hoặc thông báo không kịp thời thì bên vi phạm sẽ phải bổi thường thiệt hại.

Quy định pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

Một là, các trường hợp miễn trách nhiệm:

Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều 294 Luật thương mại năm 2005. Trước hết, có thể thấy pháp luật đã nhìn nhận trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm với cách tiếp cận khá mở và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi quy định bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi xảy ra các trường hợp mà các bên đã thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi: xảy ra sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Hai là,trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận:

Pháp luật đã giành quyền chủ động cho các bên tham gia hợp dồng trong hoạt động thương mại cũng như coi trọng nguyên tắc tự do thảo thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng. Theo nguyên tắc chung, các điều khoản của hợp đồng do các bên tự thỏa thuận, nếu không trái với quy định của pháp luật thì đều có giá trị pháp lý. Do vậy, luật thương mại 2005 đã quy định “các bên không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp đó được miễn trách nhiệm” tại điểm a khoản 1 điều 294.

Có thể thấy rằng quy định của pháp luật nước ta mới chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, không đưa ra điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng giữa các bên, như vậy sẽ có thể xảy ra trường hợp là một trong các bên lợi dụng sự tồn tại của điều khoản miễn trừ trách nhiệm để vi phạm hợp đồng, để họ không phải chịu biện pháp chế tài nào, như vậy sẽ xảy ra hiện tượng bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng thương mại.

Ba là, trường hợp xảy ra sự kiện bất khả khángL

Theo quy định của Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại năm 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Một thiếu xót của luật đó là không ghi rõ sự kiện bất khả kháng là như thế nào và điều kiện để áp dụng. Nó chỉ được quy định một cách chung chung trong Bộ luật dân sự 2015 đó là “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Với cách hiểu như vậy, sự kiện bất khả kháng có thể bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, đình công, sự thay đổi chính sách pháp luật của nhà nước,…Tuy nhiên để được áp dụng miễn trừ do sự kiện bất khả kháng thì bên có hành vi vi phạm phải chứng minh được sự cố dẫn đến vi phạm hợp đồng thỏa mãn quy định của pháp luật.

Ngoài ra, luật thương mại chỉ quy định chung chung “trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng” là một căn cứ để miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm mà không có quy định làm rõ sự kiện này sẽ được thừa nhận là căn cứ miễn trách nhiệm nếu nó xảy ra đối với các bên tham gia quan hệ hợp đồng hay đối với cả bên thứ ba trong quan hệ hợp đồng. Mà trên thực tế, rất nhiều hợp đồng được kí kết giữa các bên nhằm mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch. Trong trường hợp này, việc thực hiện mỗi một hợp đồng riêng biệt liên quan mật thiết đến việc thực hiện các hợp đồng khác. Ví dụ, người bán không thực hiện nghĩa vụ giao hàng của mình cho người mua theo hợp đồng mua bán hành hóa do bên gia công không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người bán theo hợp đồng gia công sản phẩm. Như vậy, vấn đề một bên vi phạm hợp đồng do lỗi của người thứ ba có được coi là căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm không còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết tiểu luận thì đây không được coi là căn cứ miễn trách nhiệm. Bởi vì khi tham gia bất kì quan hệ hợp đồng nào, mỗi bên phải nhận lấy trách nhiệm và được hưởng những lợi ích phát sinh từ quan hệ đó, do đó không thể yêu cầu bên có quyền lợi bị vi phạm chịu rủi ro do bên thứ ba vi phạm.

Bốn là, trường hợp hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia:

Trường hợp miễn trách nhiệm này được quy định tại điểm c khoản 1 điều 294 Luật thương mại 2005. Theo đó, nếu một bên vi phạm hợp đồng nhưng việc vi phạm đó không phải do lỗi của bên vi phạm mà là do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm đối với vi phạm đó. Như vậy, căn cứ để miễn trách nhiệm trong trường hợp này là phải do lỗi của bên bị vi phạm. Lỗi này có thể là do hành động hoặc không hành động. Đây là một quy định hoàn toàn phù hợp về lý cũng như về tình. Hoàn toàn phù hợp với quy định của quốc tế. Nếu muốn áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm thì bên vi phạm phải chứng minh được lỗi là hoàn toàn do bên kia mà ra. Tuy nhiên, pháp luật thương mại hiện hành nói chung vẫn chưa dự liệu trường hợp miễn trách nhiệm do một bên ủy quyền cho bên thức ba thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mà bên thứ ba này vi phạm nghĩa vụ trong một số trường hợp cụ thể.

Năm là, trường hợp vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền:

Điểm d Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại năm 2005 quy định: trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng là một căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại. Từ quy định trên đây, có thể thấy việc miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, quy định này của luật thương mại còn chưa thực sự rõ ràng bởi vì không có quy định hướng dẫn cụ thể cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp này ra quyết định nhằm mục đích gì, những điều kiện cụ thể để một quyết định có thể trở thành căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Đặng Thị Linh Phương - Công ty Luật TNHH Everest

    Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

    1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
    2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
    3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].