Công ty Luật TNHH Everest tư vấn về việc có phải công chứng mẫu hợp đồng xây dựng nhà hay không.
Hỏi: Công ty tôi có ký hợp đồng xây dựng nhà với Công ty B, đồng thời Công ty tôi ký hợp đồng mua bán vật tư với Công ty C. Như vậy Công ty tôi có được ủy quyền thanh toán cho Công ty B thanh toán trực tiếp với Công ty C được không? Trong các hợp đồng đã ký giữa các bên không quy định việc thanh toán ủy quyền này. Nếu được thì mẫu ủy quyền có phải công chứng không? (Hoài Thơ - Lào Cai)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật hợp đồng Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Công ty bạn có thể ủy quyền thanh toán cho công ty B để công ty B trực tiếp thanh toán cho công ty C. Như vậy, ở đây công ty bạn có thể chọn một trong hai hình thức thực hiện nghĩa vụ của mình như sau:
- Thứ nhất, công ty bạn chọn phương thức thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"Điều 293.Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba
Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự".
Theo đó, công ty bạn có thể ủy quyền cho công ty B thay công ty bạn trực tiếp thanh toán cho công ty C nếu được công ty C đồng ý. Tuy nhiên nếu công ty B không thực hiện thì công ty bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trước công ty C, việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về Hợp đồng Ủy quyền trong đó nêu rõ phạm vi ủy quyền.
- Thứ hai, công ty bạn có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ thanh toán cho công ty B với điều kiện công ty C phải đồng ý. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:
"Điều 315.Chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ".
Khi công ty bạn đã chuyển giao nghĩa vụ thanh toán cho công ty B có nghĩa là công ty B trở thành bên thế nghĩa vụ và việc công ty B có thực hiện nghĩa vụ với công ty C hay không thì công ty bạn hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm.
Hình thức chuyển giao nghĩa vụ quy định tại Điều 316 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"Điều 316.Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự
1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó".
Như vậy, việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nòi. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, và phải có công chứng hoặc chứng thực.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận