Nguyên tắc trả lương:Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Hỏi: Bố tôi làm việc trong một bệnh viện tư nhân tại thành phố thành lập vào năm 2012. Từ khi thành lập đến nay đã làm được 3 năm với vai trò phó phòng hành chính, nhưng công ty không chịu kí hợp đồng lao động (không chỉ bố tôi mà phần rất nhiều nhân viên trong bệnh viện đều.Như vậy, bệnh viện có hơn 200 y bác sĩ hộ lý và nhân viên). Hơn thế nữa, bệnh viện luôn luôn phát lương chậm, khoảng 6 tháng phát lương một lần, nhưng không phải là trả toàn bộ khoản tiền lương nợ trong 6 tháng mà chỉ trả 1 tháng lương, đợi sang khoảng 1 đến 2 tháng tiếp theo mới lại phát lương tiếp. Toàn bộ nhân viên trong bệnh viện đều như vậy không phải chỉ riêng bố tôi. Công ty làm vậy có đúng không (Tất Đạt - Hải Phòng)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo như nội dung thư mà bạn trình bày, bệnh viện nơi bố bạn đang công tác đã có những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
Thứ nhất, hành vi không trả lương đầy đủ và đúng hạn. Đây là sự vi phạm của người sử dụng lao động với nghĩa vụ của họ. Vấn đề này được Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
“Điều 96. Nguyên tắc trả lương:Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Do đó, bệnh viện đã có hành vi vi phạm pháp luật lao động và có nghĩa vụ phải trả lương đầy đủ, đúng hạn và trả thêm cho bố bạn một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Thứ hai, với hành vi không giao kết hợp đồng lao động với người lao động: đây cũng là một hành vi vi phạm nghĩa vụ của bệnh viện theo quy định của Bộ luật lao động 2012:
“Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động:1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.”
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động:Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Do đó, mức xử phạt với bệnh viện sẽ dựa trên số lượng người lao động mà bệnh viện không ký kết hợp đồng lao động trên thực tế.
Trong trường hợp bố bạn không muốn khởi kiện ra tòa và cũng không thể yêu cầu bệnh viện thực hiện đúng nghĩa vụ của họ bạn có thể khiếu nại đến cơ quan Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi bệnh viện đóng trụ sở để cơ quan này tiến hành xử lý với những hành vi vi phạm của bệnh viện theo quy định của Bộ luật lao động 2012:
“Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:1. Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động;2. Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động;3. Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động;4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật;5. Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về lao động.”
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận