-->

Không bị xử lý kỷ luật sa thải, có được trả lương?

Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Hỏi: Trong 2 tháng làm việc vừa qua (tháng 09 và 10-2015) em có nghỉ không lương tất cả là 13 ngày. Trong tháng 09 là 5 ngày (trong đó có 2 ngày em viết đơn, 1 ngày phải nghỉ do em viết giấy nghỉ phép vào chủ nhật) và em đã nghỉ hết ngày nghỉ trong tháng. Còn 2 ngày nghỉ còn lại, em chỉ gọi điện xin quản lý nghỉ nhưng không viết đơn. Còn 8 ngày trong tháng 10 thì do người quản lý của em yêu cầu em nghỉ do em mắc lỗi trong làm việc. Lần thứ nhất 3 ngày, lần thứ 2 là 5 ngày. Và bây giờ phòng tổ chức nhân sự nói em nghỉ không lương quá quy định và đưa em ra họp kỷ luật. Vậy em muốn hỏi luật sư là số ngày nghỉ mà người quản lý của em yêu cầu em nghỉ thì có cộng vào những ngày em nghỉ không lương hay không? Và em có phải chịu trách nhiệm về việc này không ạ? Khi họp kỷ luật em có được phép biện hộ và nói rõ lý do vì sao trong 1 tháng mà em lại nghỉ không lương đến 08 ngày không? (Nguyễn Minh Công - Tuyên Quang)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về những ngày nghỉ mà người quản lý yêu cầu anh (chị) nghỉ, đây được coi là những ngày anh (chị) bị tạm đình chỉ công việc do mắc lỗi trong quá trình lao động, và số ngày này sẽ không tính vào số ngày nghỉ không lương, căn cứ vào quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 như sau: "Điều 129. Tạm đình chỉ công việc: 1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. 2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. 3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. 4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc".

Có thể thấy, trong những ngày này, anh (chị) vẫn được hưởng 50% lương nếu bị xử lý kỷ luật, và hưởng 100% lương nếu không bị xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, Nghị định 45/2013/NĐ-CP cũng quy định: "Điều 6. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm ... 10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc...". Vì vậy, những ngày anh (chị) nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc không những vẫn được hưởng lương mà còn vẫn được coi là ngày làm việc như bình thường, không thể tính là ngày nghỉ không lương để xét xứ lý kỷ luật vì nghỉ quá nhiều. Đồng thời, anh (chị) cũng không phải chịu trách nhiệm về những ngày nghỉ này, nếu như quyết định tạm đình chỉ trước đây là quyết định đơn phương của người quản lý của anh (chị) thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Về việc anh (chị) có được phép biện hộ về việc nghỉ quá nhiều của mình hay không, Bộ luật lao động 2012 cũng quy định rõ: "Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động: 1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau: ... c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;...". Căn cứ vào đó có thể thấy, anh (chị) hoàn toàn có quyền tự biện hộ cho mình vào buổi hợp kỷ luật sắp tới để bản thân không bị xử lý kỷ luật nhầm.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.