-->

Giao hàng không đúng số lượng và chất lượng phải đối mặt với hậu quả pháp lý gì?

Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng ...

Hỏi: Công ty tôi giao kết hợp đồng mua 1,5 tấn cá ba sa đóng hộp hàng đông lạnh với công ty Thủy sản A với thời hạn giao hàng là 1/5/2016. Tuy nhiên đến ngày giao hàng thì bên A có báo xin lùi thời hạn giao hàng 1 tuần do sự cố về việc thuê tàu chở hàng. Bên chúng tôi đã đồng ý cho A giao hàng lùi lại vào ngày 8/5/2016. Đến ngày nhận hàng chúng tôi phát hiện số hàng chỉ có 1,3 tấn hơn nữa sau khi đối chiếu kiểm tra chất lượng thì có tới gần 300kg cá đang có mùi hôi thối. Hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm chỉ còn có 2 tuần nữa. Chúng tôi rất bức xúc đã gọi điện thông báo cho bên A yêu cầu bên A phải giao đủ số lượng hàng với đúng chất lượng như đã thỏa thuận. Số hàng bị hỏng chúng tôi yêu cầu bên A phải nhận lại hàng về. Vì là khách hàng lâu năm và uy tín từ trước đến nay nên chúng tôi rất hi vọng có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng này . Đề nghị Luật sư tư vấn giúp tôi về trách nhiệm của công ty A khi giao hàng không đúng số lượng và chất lượng là gì và nếu công ty A kiên quyết không chịu trách nhiệm thì chúng tôi có thể áp dụng biện pháp gì với họ? (Nguyễn Dân- Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Đoàn Thị Bích - Tổ tư vấn pháp luật Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

* Hàng hóa như thế nào được coi là không phù hợp với hợp đồng?

Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

- Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

- Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;

- Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định trên.


- Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

- Trừ trường hợp quy định như trên, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

- Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

3. Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

- Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định như trên mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

Như vậy, Công ty A phải chịu trách nhiệm khi giao hàng không đúng theo số lượng cũng như chất lượng cho công ty của anh. Để khắc phục tình trạng này, Công ty A có thể giao bổ sung hàng cho đủ số lượng và chuyển đổi lại toàn bộ lô hàng đã hư hỏng thành lô hàng khác đảm bảo đúng chất lượng cho phía công ty anh.

Nếu công ty A kiên quyết không thực hiện trách nhiệm thì bên công ty của anh có thể áp dụng các chế tài khi một bên vi phạm hợp đồng như buộc thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng,...nặng nhất có thể là hủy hợp đồng.

Ngoài ra nếu do bên A vi phạm dẫn đến công ty của anh bị thiệt hại thì khi các anh chứng minh được thiệt hại đó là thực tế và là kết quả của sự vi phạm phía bên A các anh có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.


Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.