Công đoàn là tổ chức của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, có nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Hỏi: Tôi làm hành chính trong một công ty cổ phần chuyên về may mặc. Công ty tôi có 20 người lao động. Đề nghị Luật sư tư vấn, công ty tôi có bắt buộc phải thành lập tổ chức công đoàn hay không? (Hải Linh - Nam Định) Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trước hết cần phải hiểu thế nào là công đoàn. Khái niệm về công đoàn đã được định nghĩa cụ thể tại Điều 1 Luật Công đoàn 2012. Tuy nhiên, khái niệm này tương đối dài và trừu tượng, vậy để dễ hiểu hơn, tôi xin định nghĩa ngắn gọn như sau: “Công đoàn là tổ chức của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, có nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động”.
Theo Khoản 1 Điều 5 Luật công đoàn 2012 có quy định: “Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn”.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 189 Bộ luật lao động 2012 cũng quy định: “Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn”.
Từ những quy định trên đây, có thể thấy việc thành lập tổ chức công đoàn hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của những cá nhân người lao động, những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập hoặc tham gia , hoạt động tổ chức công đoàn mà không ai có thể ép buộc hoặc ngăn cấm họ không được phép tham gia.
Tuy nhiên, mặc dù là không bắt buộc đối với doanh nghiệp nhưng việc thành lập tổ chức công đoàn là tương đối cần thiết. Vì công đoàn là tổ chức gần gũi nhất với đời sống người lao động, hiểu được rõ tâm tư, nguyện vọng, từ đó có thể là cơ quan đại diện, bảo vệ tốt cho quyền và lợi ích của người lao động.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 189 Bộ luật lao động 2012 cũng quy định, người sử dụng lao động cần tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở nếu người lao động có nhu cầu muốn thành lập.
Tóm lại, theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp của bạn không bắt buộc phải thành lập công đoàn nhưng nếu người lao động tự nguyện muốn thành lập thì doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc thành lập công đoàn được thành công.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected]
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận