-->

Chủ doanh nghiệp tư nhân không trực tiếp quản lý doanh nghiệp, xử lý thế nào?

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; hoặc có thể cho thuê lại doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp không trực tiếp quản lý doanh nghiệp.

Hỏi: Tôi là giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân. Do bị tai nạn, nên tôi bị ảnh hưởng tới khả năng đi lại, khiến cho việc quản lý doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó tôi không muốn trực tiếp quản lý doanh nghiệp như trước. Vậy xin hỏi, có cách nào giúp cho doanh nghiệp của tôi vẫn tiến hành việc kinh doanh bình thường mà không thay đổi quyền đại diện theo pháp luật cho công ty của tôi hay không? (Văn Mỹ - Cao Bằng)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Đồng Quang Khải - Tổ tư vấn pháp luật Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo như các thông tin mà anh/chị đã cung cấp, hiện tại, vì lý do cá nhân anh/chị không muốn đứng tên quản lý doanh nghiệp, nhưng vẫn muốn việc kinh doanh của công ty vẫn được tiến hành bình thường, thì anh/chị có thể chọn một trong hai cách sau đây:

Phương thức thứ nhất, thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 185 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về quản lý doanh nghiệp:

“1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”.

Như vậy, anh/chị hoàn toàn có quyền quyết định đối với toàn bộ việc kinh doanh của doanh nghiệp, khi mà anh/chị không thể trực tiếp đứng ra quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình, thì anh/chị có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong trường hợp này anh/chị vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Phương thức thứ hai, chủ doanh nghiệp cho thuê lại doanh nghiệp tư nhân.

Điều 186 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về cho thuê doanh nghiệp tư nhân:

“Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê”.

Khi anh/chị cho thuê doanh nghiệp của mình cho người khác, thì việc kinh doanh của công ty anh/chị vẫn được tiến hành bình thường mà không cần phải đứng ra quản lý doanh nghiệp của mình, mà trong thời gian cho thuê anh/chị vẫn có được một khoản tiền từ việc cho thuê doanh nghiệp anh/chị, anh/chị vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp (nêu trên) mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.