Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Hỏi: Tôi và chồng đã có quyết định ly hôn từ ngày 15/07/2015. Hiện tại tôi được quyền nuôi con là 02 bé và mỗi tháng chồng tôi chu cấp 1.500.000đ/1 tháng để tôi nuôi con.Bé lớn N ( 3 Tuổi ), Bé Nhỏ A( 1 tuổi )Cháu lớn là N.Hiện nay tôi đã đổi tên cháu thành N H vì tên cũ của cháu là do bà nội cháu đặt và nó trùng tên với cậu của cháu nhưng do khi chưa ly hôn tôi nghĩ cháu ở nhà nội ít về quê ngoại nên đồng ý để bà đặt tên cháu như vậy. Nay chúng tôi đã ly hôn và cháu ở với mẹ ( nhà ngoại ) nên tôi muốn đổi tên cháu để không trùng tên với cậu cháu nữa.Nhưng chồng tôi chỉ mới chu cấp 01 tháng ( tháng 08/2015 ) và từ đó tới nay chồng tôi không chu cấp nữa với lý do tôi đổi tên con nên chồng tôi không chu cấp tiền nuôi con. Vậy luật sư có thể tư vấn cho tôi chồng tôi làm như vậy là đúng hay sai? (Nguyễn Hường - Thanh Hóa)
Điều 27 Bộ luật Dân sự 2005 quy định Quyền thay đổi họ, tên: "1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:a) Theo yêu cầu của người có họ tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình,đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ".
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HN&GĐ) quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôicon sau khily hôn: "1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.Cha, mẹ không trựctiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó".
Điều 110 Luật HN&GĐ quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con: "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con".
Điều 116 Luật HN&GĐ quy định Mức cấp dưỡng: "1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".
Để tránh nhầm lẫn với tên người thân trong gia đình, bạn có thể thay đổi tên cho con mình. Việc thay đổi tên của con bạn không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của con được xác lập theo tên cũ.
Khi ly hôn, người cha không trực tiếp chung sống và nuôi dưỡng các con nên người cha phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con.Việc bạn thay đổi tên cho con không làm thay đổi nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con của người cha. Cha của đứa trẻ vẫn phải cấp dưỡng đầy đủ cho con đến khi con thành niên. Mức cấp dưỡng có thể do hai vợ chồng bạn tự thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án quyết định mức cấp dưỡng dựa trên điều kiện, khả năng kinh tế của người cha.Việc người cha từ chối cấp dưỡng cho con là vi phạm pháp luật về cấp dưỡng, nếu nghiêm trọng hơn còn có thể cấu thành Tội từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Để bảo vệ quyền lợi của các con, bạn có thể khởi kiện ra Tòa, yêu cầu người chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận