-->

Cha mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con?

Nếu người vợ bị tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do gia đình chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì bố/mẹ của người vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Hỏi: Năm (05) năm trở lại đây, con gái tôi bị mắc bệnh tâm thần. Do chán nản nên gia đình chồng của cháu hay đánh đập, chửi mắng cháu. Tôi rất xót con nên 02 năm trước cũng đã làm đơn yêu cầu Tòa án ly hôn để cháu có thể về ở với tôi nhưng không được giải quyết. Hiện nay tôi thấy báo chí đưa tin bố mẹ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con.Đề nghị Luật sư tư vấn tôi có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái tôi không, trước Tòa án không thụ lý đơn của tôi có đúng pháp luật không? (Đặng Quang - Tuyên Quang).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 (Luật HN&GĐ 2000) và Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Luật HN&GĐ 2014) để anh tham khảo, như sau:
Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn” (Điều 85 Luật HN&GĐ 2000)
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ” (khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014).
Theo quy định của Luật HN&GĐ 2000, người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn chỉ bao gồm vợ, chồng hoặc cả vợ và chồng. Như vậy, cách đây 02 năm, tại thời điểm Luật HN&GĐ 2000 có hiệu lực, anh không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cho con gái. Bởi vậy, việc Tòa án từ chối không giải quyết yêu cầu của anh là đúng pháp luật.
Luật HN&GĐ 2014 có hiệu lực vào ngày 01.01.2015 đã bổ sung thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 kể trên. Như vậy, tại thời điểm này, nếu con gái của anh bị tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do gia đình chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì anh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn này.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.