-->

Các hình thức sở hữu có một chủ thể

Bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hôi - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là pháp nhân không hoạt động sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận).

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, sở hữu nhà nước

Chủ thể của sở hữu nhà nước

BLDS Điều 201 quy định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước”. Điều luật còn quy định thêm rằng Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.

Tài sản thuộc sỏ hữu nhà nước

Có tài sản thuộc sở hữu nhà nước một cách tuyệt đối, nghĩa là không bao giờ có thể được chuyển nhượng để trở thành tài sản thuộc sỏ hữu của các chủ thể khác và có những tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhưng có thể được chuyển nhượng để trở thành đối tượng của những hình thức sở hữu khác. Ta tạm gọi các tài sản thuộc nhóm thứ nhất là tài sản công của nhà nước; các tài sản thuộc nhóm thứ hai là tài sản tư của nhà nước.

- Tài sản công của nhà nước: tất cả các tài sản công của nhà nước đều có chung một đặc điểm: chỉ có thể được sử dụng vì lợi ích công cộng. Tài sản không thể được dùng vào việc nào khác ngoài việc phục vụ cho tất cả mọi người. Đó là: đất đai, rừng, núi, sông hồ, nguồn nước, công trình giao thông công cộng thủy, bộ, đường sắt, đường không, công trình quốc phòng, cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng (Điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, nước..), các di tích lịch sử, văn hóa thuộc khối tài sản quốc gia..

- Tài sản tư của nhà nước: bao gồm tất cả những gì trong khối tài sản quốc gia mà không phải là tài sản công của nhà nước. Thuộc nhóm này hầu hết là những tài sản được giao cho các cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đẻ sử dụng: nhà làm việc, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc chuyên dùng, tiền vốn...

Sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước

Các tài sản thuộc sở hữu nhà nước phải được sử dụng có hiệu quả và phù hợp với lợi ích của toàn xã hội. Việc sử dụng tài sản thuộc sỏ hữu nhà nước rất đa dạng. Một số tài sản được dành cho tất cả mọi người để sử dụng chung một cách trực tiếp: sông, hồ lưu thông tự do, đường bộ... bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng các tài sản này với điều kiện tôn trọng các quy tắc hành chính và quyền sử dụng của người khác. Có những tài sản được giao cho cơ quan cung ứng dịch vụ công cộng để khai thác nhằm phục vụ cho tất cả mọi người: đường sắt được cơ quan quản lý đường sắt sử dụng để chuyên chở hành khách, hàng hóa; mạng lưới điện quốc gia được giao cho tổng công ty điện lực để cung ứng điện cho nhân dân. Những tài sản giao cho doanh nghiệp Nhà nước khai thác nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và làm gia tăng tích lũy thuộc sở hữu nhà nước. Cũng có tài sản được giao cho các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bảo tàng, bảo tồn, thư viện...) để phục vụ cho các sinh hoạt tinh thần hoặc đáp ứng nhu cầu tích lũy kiến thức, vui chơi giải trí của người dân.

Quản lý Nhà nước đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước

Tài sản thuộc sở hữu nhà nước được đặt dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Tài sản thuộc sở hữu nhà nước được giao cho các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp để sử dụng. Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng tài sản đó (BLDS Điều 204 khoản 1, Điều 205 khoản 1).

Đối với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước được đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (BLDS Điều 203 khoản 1).

Bảo vệ sở hữu nhà nước

Các tài sản công thuộc sở hữu nhà nước không thể được chuyển nhượng và không thể bị kê biên. Có một số tài sản tư thuộc sở hữu nhà nước có thể được chuyển nhượng dưới sự kiểm soát và giám sát của cơ quan tài chính nhưng trên nguyên tắc không thể bị kê biên. Và trong bất kỳ trường hợp nào, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không thể là đối tượng của quyền sở hữu được xác lập theo thời hiệu (BLDS Điều 247 khoản 2).

Thứ hai, sở hữu tập thể

Nhóm chủ thể của sở hữu tập thể bao gồm các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân. Các tài sản thuộc sở hữu tập thể được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, thu nhập hợp pháp do sản xuất, kinh doanh, được Nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật (BLDS Điều 208 và 209).

“Việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu tập thể phải tuân theo pháp luật, phù hợp với điều lệ của tập thể đó, bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể” (BLDS Điều 210 khoản 1). Sở hữu tập thể đặt cơ sở cho việc tương trợ giữa những người lao động trong lao động sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, “tài sản thuộc sở hữu tập thể được giao cho các thành viên khai thác công dụng bằng sức lao động của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế chung và lợi ích, nhu cầu của các thành viên” (Điều 210 khoản 2).“Thành viên của tập thể có quyền được ưu tiên mua, thuê, thuê khoán tài sản thuộc sở hữu tập thể “ (Điều 210 khoản 3).

Thứ ba, sở hữu của các pháp nhân không hoạt động sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận

Tài sản

Tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - là những tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, các tặng cho chung cũng như từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật (BLDS Điều 228). Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội có thể được Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu đối với một số tài sản cần thiết cho hoạt động của tổ chức đó (Điều 228 khoản 1).

Tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp là tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với những quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt đông của tổ chức đó được quy định trong điều lệ (Điều 231 BLDS).

Thực hiện quyền sở hữu

Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt động của tổ chức đó được quy định trong điều lệ (BLDS Điều 229 và 232).

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình, tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.