-->

Bán ô tô cho người phạm tội lừa đảo, liệu có mất cả xe lẫn tiền?

Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Hỏi: Tôi bán một ô tô theo hình thức trả góp cho một người, nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên. Vừa qua, người mua phạm tội lừa đảo. Chiếc xe đang bị cơ quan điều tra tạm giữ. Tôi lo lắng là số tiền anh ta đã trả dần cho tôi bị tịch thu vì bị xác định tiền do lừa đảo mà có. Đề nghị Luật sư tư vấn, liệu cơ quan điều tra có thể tịch thu xe ô tô, hoặc tịch thu số tiền người mua đã trả cho tôi không? (Hoàng Mạnh - Sơn La)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Liên quan tới vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:

- Thời điểm chuyển quyền sở hữu: “1. Quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; 2. Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó; 3. Trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán” (Điều 439).

- Mua trả chậm, trả dần: “1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác; 2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác” (Điều 461).

Khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau: “1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành”.

Trong trường hợp của anh (chị), khách hàng đã dùng tiền lừa đảo được để mua trả góp xe ô tô nên việc cơ quan tiến hành tố tụng tịch thu khoản tiền do phạm tội mà có là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người mua chưa thanh toán đủ tiền mua xe cũng như chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu xe nên chiếc xe vẫn thuộc quyền sở hữu của anh (chị). Trong trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ có thể thu khoản tiền mà người mua đã trả cho anh (chị), tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện. Do đó, anh (chị) có thể yên tâm vì quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.