-->

Xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn?

Quyền đăng ký kết hôn thuộc về ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ hoặc chồng.

Hỏi: Chị Kim và anh Hoan đều là giáo viên được điều động lên công tác có thời hạn tại xã M thuộc tỉnh Lạng Sơn. Chị Kim có hộ khẩu thường trú tại phường X, tỉnh Phú Thọ, còn anh Hoan sau khi tốt nghiệp Đại học chưa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Khi lên Lạng Sơn công tác, cả anh Hoan và chị Kim đều đăng ký tạm trú có thời hạn tại xã M. Tháng 6 năm 2006 chị Kim và anh Hoan quyết định đăng ký kết hôn với nhau nên đã đến Uỷ ban nhân dân xã M tìm hiểu thủ tục. Sau khi nghe hai người trình bày nguyện vọng, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M đã hướng dẫn chị Kim về phường X, tỉnh Phú Thọ, nơi chị có hộ khẩu thường trú để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và hẹn sau khi có giấy này thì hai người chỉ cần khai chung một Tờ khai đăng ký kết hôn, đồng thời xuất trình Giấy chứng minh nhân dân thì Uỷ ban nhân dân sẽ thụ lý giải quyết việc đăng ký kết hôn. Cách hướng dẫn giải quyết của cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M có đúng với quy định pháp luật hộ tịch về đăng ký kết hôn hay không? Nếu tiếp nhận trường hợp này, vụ việc sẽ phải giải quyết như thế nào? Đề nghị Luật sư tư vấn (Trang Nhung - Hà Nam)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Việc hướng dẫn của cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M đối với anh Hoan và chị Kim về thủ tục đăng ký kết hôn như nêu trên đây là sai, nguyên nhân xuất phát từ chỗ xác định sai thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Việc xác định sai thẩm quyền đăng ký hộ tịch là do cán bộ tư pháp - hộ tịch chưa nắm vững thứ tự ưu tiên trong việc xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn

Thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước được quy định tại Điều 17 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP như sau:

“Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn”.

Quy định trên là nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn. Để xác định chính xác thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với từng trường hợp cụ thể cần viện dẫn tới quy định tại Điều 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để hiểu và vận dụng quy định về “nơi cư trú” trong xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn. Kết hợp Điều 8 và Điều 17 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, có thể thấy, mặc dù pháp luật quy định có thể lựa chọn nơi đăng ký kết hôn theo nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ, nhưng quyền lựa chọn này chỉ đặt ra trong hai trường hợp sau:

- Cả bên nam và bên nữ cùng có hộ khẩu thường trú, hoặc;

- Cả bên nam và bên nữ cùng không có hộ khẩu thường trú mà chỉ có đăng ký tạm trú có thời hạn.

Ngoài 2 trường hợp nói trên thì việc xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn phải tuân theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 17, đó là: việc đăng ký kết hôn trước hết phải ưu tiên đăng ký tại nơi bên nam hoặc bên nữ có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp cả hai bên không có hộ khẩu thường trú thì mới được đăng ký tại nơi bên nam hoặc bên nữ có đăng ký tạm trú có thời hạn.

Như vậy, áp dụng vào trường hợp này có thể thấy chị Kim có hộ khẩu thường trú tại phường X, tỉnh Phú Thọ, còn anh Hoan chưa có hộ khẩu thường trú, chỉ có đăng ký tạm trú tại xã M, tỉnh Lạng Sơn. Do đó, thẩm quyền đăng ký kết hôn trong trường hợp này thuộc về Uỷ ban nhân dân phường X, nơi chị Kim có hộ khẩu thường trú.

Hướng giải quyết

Với việc xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn như trên, nếu là cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M, tỉnh Lạng Sơn thì cần hướng dẫn anh Hoan, chị Kim thủ tục giải quyết đăng ký kết hôn như sau:

- Hướng dẫn anh Hoan làm Tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm hồ sơ đăng ký kết hôn với chị Kim;

- Hướng dẫn anh Hoan và chị Kim về nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân phường X, tỉnh Phú Thọ, nơi chị Kim có hộ khẩu thường trú. Giải thích rõ thêm về các giấy tờ mà anh Hoan, chị Kim cần có để đăng ký kết hôn tại phường X theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP gồm:

Giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai đăng ký kết hôn (anh Hoan và chị Kim có thể cùng khai chung vào 1 Tờ khai);

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của anh Hoan (chị Kim không cần có giấy này vì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân phường X, nơi quản lý hộ tịch của chị);

Giấy tờ phải xuất trình:

+ Giấy chứng minh nhân dân của cả 2 người.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.