-->

Việc công bố tác phẩm có ý nghĩa như thế nào?

Công bố tác phẩm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc xác định một tác phẩm đã được công bố hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng.

Hỏi: Tôi muốn hỏi một tác phẩm đã được công bố là như thế nào? Ví dụ: Một cuốn tiểu thuyết được tác giả đưa lên blog của mình cho bạn bè tham khảo, một bài hát mới được ca sĩ trình diễn lần đầu tiên trên truyền hình, một bộ phim mới được công chiếu tại liên hoan phim quốc tế... Tất cả những trường hợp nêu trên đây, các tác phẩm văn học – nghệ thuật này đã được coi là tác phẩm đã được công bố hay chưa? Và việc công bố này có ý nghĩa như thế nào? (Thanh Bình - Kiên Giang)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Khoản 2 Điều 22 Nghị định 100/2006/NĐ-CP về quyền tác giả và quyền liên quan ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định:

“Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc”.

Như vậy, công bố tác phẩm được hiểu là việc phát hành bản sao tác phẩm đến công chúng, với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Các hành vi trình diễn một tác phẩm sân khấu, âm nhạc, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng, phát sóng một tác phẩm văn học, trưng bày tác phẩm tạo hình, xây dựng tác phẩm kiến trúc không được coi là công bố tác phẩm.

Công bố tác phẩm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.Việc xác định một tác phẩm đã được công bố hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng:

- Thứ nhất, việc xác định một tác phẩm đã được công bố có nghĩa xác định thời điểm công bố tác phẩm đó. Thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ tính thời hạn bảo hộ của tác phẩm.

- Thứ hai,việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn lãnh thổ mà tác phẩm được bảo hộ bởi lẽ phạm vi bảo hộ quyền tác giả mang tính lãnh thổ.

- Thứ ba, việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn quyền tác giả và quyền liên quan. Giới hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan chính là các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 và Điều 32 Luật SHTT 2005 (SĐBS 2009). Chỉ những tác phẩm “đã được công bố” mới có thể được áp dụng hai điều luật nêu trên mà thôi.

Vấn đề này càng trở nên quan trọng đối với các tác phẩm tính thời hạn bảo hộ không theo nguyên tắc đời người, như tác phẩm điện ảnh, tác phẩm di cảo và tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác phẩm khuyết danh, tác phẩm phát sóng.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].