-->

Tư vấn về trường hợp tự ý làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm 1 lần

Tư vấn pháp luật về trường hợp tự ý làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm 1 lần...

Hỏi: Năm 2013 em có công tác ở 1 đơn vị và làm trong phòng tổ chức quản lý sổ bảo hiểm y tế. Em có thấy 1 sổ bảo hiểm đã lâu không có ai đến để làm thủ tục đóng tiếp hoặc thanh toán. Vì em thấy sổ bảo hiểm ấy đã dừng đóng bảo hiểm đến năm 2013 là 7 năm, tức là dừng từ năm 2006. Em đã tự ý làm thủ tục thanh toán 1 lần với số tiền là 66 triệu. Đến nay, chủ sở hữu của quyển sổ ấy họ về đòi sổ và phát hiện em đã thanh toán rồi. Họ nói sẽ đưa đơn em ra pháp luật giải quyết. Vậy các anh chị cho em hỏi mức hình phạt của em là như thế nào ạ. Em thì đang nuôi con nhỏ mới vùa sinh thì có được giảm nhẹ không? (Phi Văn - Hải Dương)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198  Luật gia Nguyễn Thanh Hương - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Hương - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức;b) Có tính chất chuyên nghiệp;c) Tái phạm nguy hiểm;d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;g) Gây hậu quả nghiêm trọng.3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

- Về khách quan: người phạm tội có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

- Về mặt chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

- Khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác. Trong trường hợp này là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước

- Chủ thể là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo thông tin bạn cung cấp thì hành vi bạn đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS với khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Về vấn đề giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 46 BLHS và trong Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về Phần chung của BLHS).

Theo các quy định nêu trên thì trường hợp của bạn – đang nuôi con nhỏ không được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 BLHS quy định: “2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.” Như vậy, trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tự mình xem xét, cân nhắc xem tình tiết bạn đang nuôi con nhỏ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Ngoài ra, bạn có thể thu xếp hoàn trả số tiền 66 triệu đã lấyvà bồi thường cho chủ sở hữu sổ bảo hiểm y tế để làm căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.