-->

Tư vấn pháp luật: Vợ vay tiền chồng có phải trả nợ không?

Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Hỏi: Vợ tôi vay nợ số tiền khá lớn để chi tiêu cá nhân mà tôi không hề biết. Nếu vợ tôi không trả được nợ, bị kiện ra tòa thì tôi có trách nhiệm cùng cô ấy phải trả món nợ đó không? Trường hợp vợ tôi qua đời thì tôi có phải trả nợ thay không? (Nguyễn Long - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật thợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Theo Điều 25 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.

Giao dịch hợp pháp ở đây được hiểu là hợp đồng vay tài sản (tiền, vàng, ngoại tệ…) hoặc giấy vay tiền không phân biệt viết tay hay đánh máy do người có đủ năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Nhu cầu thiết yếu của gia đình như: ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình; việc học hành của bọn trẻ; tiền đám cưới, đám ma…

Nếu vợ bạn vay số tiền trên để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, thì căn cứ theo quy định trên đây, bạn phải chịu trách nhiệm liên đới cùng vợ bạn trả món nợ đó khi bị kiện ra tòa.

Trường hợp bạn chứng minh được vợ bạn vay số tiền đó để chi tiêu cá nhân, không dùng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình và bạn không biết về số tiền đó, thì bạn không phải chịu trách nhiệm liên đới cùng vợ bạn trả món nợ đó khi bị kiện ra tòa.

Trường hợp vợ bạn qua đời, những người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do vợ bạn để lại (trong đó có khoản nợ mà vợ bạn vay khi còn sống). Bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất những người thừa kế theo pháp luật (điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005); bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 669 Bộ luật dân sự 2005).

Cụ thể Điều 636 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm vợ bạn mất, kể từ lúc đó, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do vợ bạn để lại.

Khoản 3 Điều 637 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sảndo người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên đây, kể từ thời điểm vợ bạn mất, bạn phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do vợ bạn để lại (bao gồm khoản nợ mà vợ bạn đã vay) nhưng không vượt quá phần tài sản mà bạn đã nhận; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.