Công ty Luật TNHH Everest tư vấn về tranh chấp quyền nuôi con.
Hỏi: Trong trường hợp vi phạm luật hôn nhân, biết người mình đang chung sống đã có vợ nhưng vẫn giữ mối quan hệ thì có bị phạt không? Còn người chồng không muốn hòa giải, cũng chưa ly hôn và cũng chưa bị phạt hành chính nhưng vẫn giữ mối quan hệ và công khai với họ hàng bên nội vậy có bị phạt không? và nếu có thì phạt như thế nào?Người vợ có được toàn quyền nuôi con không? (2 trẻ > 36 tháng tuổi rồi và thu nhập của người vợ không bằng chồng). (Phạm Hoa - Hà Nội)
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ
tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
1. Về xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:
Theo quy định của pháp luật thì trường hợp này chồng của chị và người đang có quan hệ chung sống như vợ chồng với chồng chị (Tạm gọi là A) được coi là việc nam nữ chung sống như vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Chung sống như vợ chồnglà việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.” Và hành vi chung sống như vợ chồng này của A và chồng chị được coi là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như sau:
"Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; Vi phạm quy định về ly hôn:1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mộ trong các hành vi sau:a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
Như vậy, Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2010/NĐ-CP thì cả chồng chị và A đều bị xử phạt từ 1.000.000 (một triệu) đồng đến 3.000.000 (ba triệu) đồng vì có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Ngoài ra, nếu chồng chị hoặc A đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chung sống như vợ chồng mà vẫn còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý Theo quy định tại Điều 147 của bộ luật hình sự:
“Điều147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Nội dung Điều 147 nêu trên được hướng dẫn tại Mục 3 Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC như sau:
“3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS):1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, tùy mức độ vi phạm mà chồng chị và A có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
2. Về quyền nuôi con khi ly hôn
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Pháp luật không quy định cụ thể về các tiêu chí để xác định quyền nuôi con, chỉ quy định là căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để Tòa án quyết định giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng. Vì cả hai con của chị đều trên 36 tháng tuổi nên quyền nuôi con của cha và mẹ là ngang nhau. Khi xảy ra tranh chấp thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện mọi mặt của con bao gồm: điều kiện kinh tế (Có công việc và thu nhập ổn đinh), tâm lý tình cảm (thân thiết, quan tâm chăm sóc con, đảm bảo được việc phát triển bình thường về tâm lý của con), thời gian (Có đủ thời gian để chăm sóc con, ví dụ: Có thời gian đưa con đi học, đón con về, đưa con đi chơi), sức khỏe (khỏe mạnh, không mắc bệnh hiểm nghèo hoặc những bệnh mãn tính, bệnh gây suy giảm khả năng lao động), phẩm chất đạo đức (phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo được nuôi dạy con phát triển đúng hướng, không phải chấp hành bản án, hoặc không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi bạo hành gia đình, hoặc ngược đãi con).
Pháp luật có quy định trong một số trường hợp sau thì Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con như sau:
“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;b) Phá tán tài sản của con;c) Có lối sống đồi trụy;d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Do chị cung cấp thông tin chưa đầy đủ, nên không thể xác định được chồng chị có bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên hay không? Theo đó, nếu chồng chị không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì khi có tranh chấp Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của mỗi bên mà quyết định giao con cho bên nào có những điều kiện tốt để nuôi con.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận