Tư vấn pháp luật: Đăng ký khai sinh cho con sau khi ly hôn

Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng

Hỏi: Tôi đã ly hôn với chồng, do thời điểm ly hôn tôi đang mang thai và chưa sinh con, nên tòa án không giải quyết vấn đề nuôi con và cấp dưỡng.Nay tôi đã sinh con, vậy tôi có dùng hôn thú cũ để đăng ký khai sinh cho trẻ để con có họ tên cha được không? Tôi có quyền thỏa thuận với chồng cũ về việc cấp dưỡng hoặc nhờ tòa án giải quyết được không? (Nguyễn Hương - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Đại Hải - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

- Thứ nhất, về vấn đề đăng ký khai sinh cho con

Căn cứ tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình 2000 có quy định: “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì:“Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, đứa trẻ sinh ra sau khi ly hôn đối với trường hợp của bạn được xác định là con chung của vợ chồng. Việc bạn muốn người chồng đứng tên khai sinh là cha của đứa trẻ là đúng quy định của pháp luật. Nhưng vì hai bạn đã ly hôn và về mặt pháp lý hai người không còn quan hệ vợ chồng nên bạn không thể sử dụng giấy đăng ký kết hôn cũ để đăng ký khai sinh cho con.

Trường hợp này bạn nên trao đổi trực tiếp với chồng và cả hai bạn cùng tới Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú của một trong hai để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

Trường hợp, nếu chồng bạn không muốn đứng tên trên giấy khai sinh thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu nhận cha cho con. Khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì bạn có quyền yêu cầu chồng đi làm thủ tục khai sinh cho đứa bé và đứng tên cha đứa trẻ trên giấy khai sinh.

- Thứ hai, về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con:

Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: "Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết".

Như vậy, bạn có thể thỏa thuận với người chồng về nghĩa cụ cấp dưỡng cho con, nếu không thỏa thuận được bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

Lưu ý: Tại thời điểm tư vấn cho quý khách hàng gửi câu hỏi, luật sư áp dụng Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (thời điểm đó Luật HNGĐ 2014 chưa có hiệu lực). Do vậy, tại thời điểm hiện tại quý khách hàng tham khảo cần tìm hiểu thêm quy định pháp lý tại Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và văn bản pháp luật liên quan. Nếu có vướng mắc pháp lý khác vui lòng liên hệ Tổng đài luật sư để được giải đáp.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.