-->

Tư vấn chia thừa kế khi ông nội mất không có di chúc

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Hỏi: Ông, bà nội của tôi mất đi không để lại di chúc. Ông bà có 03 người con là: bố tôi, chú tôi cùng một người cô. Ông bà mất có để lại một căn nhà diện tích 85m2, nhà cấp 4 mái tranh.Khi ông bà tôi mất (năm 1979), gia đình tôi cùng người chú và cô đã xây dựng lại ngôi nhà mà kinh phí chủ yếu là của gia đình tôi bỏ ra.

Khi xây nhà xong vì không có người ở (gia đình tôi công tác và sinh sống ở Hà Nội, chú tôi lấy vợ và công tác trong Vinh, cô tôi thì ở với gia đình chồng), nên bố đã bảo chú xin chuyển công tác và đưa gia đình về quê sống trông nhà ở thành phố Ninh Bình. Từ thời điểm đó, không ai nói về việc chia tài sản ông bà để lại. Trong thời gian ở nhà của ông bà, chú tôi đã tự ý chuyển quyền sử dụng đất mang tên chú tôi mà không nói với bố và cô tôi biết.

Vừa qua chú tôi đã bán ngôi nhà đó cũng không thông qua ý kiến của bố tôi và cô tôi. Khi bố tôi và cô tôi không đồng ý cho bán vì ngôi nhà do đó là của ông bà để lại, muốn giữ lại để làm nơi thờ cúng nhưng chú tôi không nghe và nói rằng chú đã ở trông nhà nhiều năm. Chú tôi đã âm thầm bán ngôi nhà đó cho người khác. Đề nghị Luật sư tư vấn giúp, trong hoàn cảnh này, bố và cô tôi phải làm thế nào? (Ngọc Anh - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Bảo Ngọc - Tổ tư vấn pháp luật Hành chính - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Anh (chị) cho biết, ông bà của anh (chị) mất năm 1979 đến nay, theo quy định tại điều 645 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu yêu cầu khởi kiện về thừa kế đã hết:

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế:Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế" (Điều 645).

Nhưng điểm 2.4 Khoản 2 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định:

"2. Việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế.

2.1. Quyền thừa kế:“Quyền thừa kế” quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Điều 648 của Bộ luật Dân sự bao gồm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:a0 Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế”.Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/07/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/07/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 1/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự.

2.3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/07/1996 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế”. Nếu nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản được phát sinh trước ngày 01/07/1991 có liên quan đến nhà ở thì thời gian từ ngày 01/07/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tải sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Việc xác định thời hiệu khởi kiện phải căn cứ vào quy định tại các Điều 639, 640 và 418 của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại các tiểu mục 1.2, 1.3, 1.4 mục 1 Phần I của Nghị quyết này.

2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản."

Từ thời điểm mở thừa kế cô, bố và chú của anh (chị) không có tranh chấp về quyền thừa kế, vậy di sản thừa kế sẽ trở thành tài sản chung nếu đáp ứng được điều kiện sau: (i)Có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế; (ii)Có văn bản thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia;

Trong trường hợp này, bố, cô và chú của anh (chị) có thể thỏa thuận về phần thừa kế của mình. Nếu không thỏa thuận được, bố và cô của anh (chị) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.