Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 quy định về "thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm".
Hỏi: Cách đây 6 tháng em có bị một nhóm thanh niên gồm 5 người đánh em gây thương tích 33% (xếp loại tạm thời) gia đình của 5 người trên đã đến và bồi thường cho em số tiền là 120.000.000 đồng. Em có viết giấy cho 5 nhà trên. Khi xét xử sơ thẩm xong thì cả em và nhà bị cáo có làm đơn kháng án xin giảm nhẹ cho các bị cáo, ở phiên tòa phúc thẩm em đã xin tòa án cho em đi giám định lại và tòa án đã đồng ý, nhưng đến hôm nay em lại nhận được giấy báo của tòa là đến tòa để xét xử vụ án trên. Em không hiểu lý do tại sao mà tòa án lại không cho em đi giám định lại nữa. Đề nghị luật sư tư vấn, nếu 5 gia đình kia khiếu nại bắt em phải trả lại tiền đền bù thì em có phải trả tiền đền bù lại không. Vì trước đó em có viết giấy nếu sau này gia đình bị cáo có yêu cầu tôi đi giám định lại thì tôi sẽ làm theo yêu cầu của gia đình bị cáo. ( Đức Anh - Ninh Bình)
Hành vi gây thương tích của 5 thanh niên khiến bạn bị thương tích 33% (xếp loại tạm thời) là hành vi xâm hại đến sức khỏe của cá nhân. Nên ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm về mặt hình sự, gia đình của 5 thanh niên còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 quy định về "thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm" như sau:
"1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. 2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Do vậy tiền bồi thường là khoản chi phí đương nhiên mà gia đình 5 thanh niên phải bồi thường cho anh (chị), không thể vì bất cứ lí do nào mà anh (chị) phải trả lại, trừ trường hợp anh (chị) từ chối nhận khoản bồi thường đó.
Về yêu cầu giám định lại trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, căn cứ theo khoản 4, 5 Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định: “4. Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định. 5. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.”
Như vậy quyết định giám định bổ sung hay giám định lại là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa khi xét thấy cần thiết sau khi đã nghe ý kiến từ những người tham gia phiên tòa mà không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa anh (chị) và gia đình các bị cáo. Việc tòa không chấp nhận giám định lại thương tật của anh (chị) không phải là căn cứ để yêu cầu anh (chị) trả lại khoản bồi thường đã nhận từ gia đình các bị cáo.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận