-->

Thừa kế theo pháp luật, một số vấn đề cần lưu ý

Thừa kế theo pháp luật được hiểu một cách đơn giản là quá trình dịch chuyển di sản của người chết sang những người còn sống theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Sự dịch chuyển di sản từ một người đã chết sang cho người còn sống được thực hiện theo một trong hai căn cứ là ý chí của người để lại di sản và quy định của pháp luật. Nếu sự dịch chuyển di sản đó căn cứ vào ý chí của người chết để lại thì được gọi là thừa kế theo di chúc, nếu sự dịch chuyển tài sản của người chết sang cho người còn sống căn cứ vào quy định của pháp luật thì được gọi là thừa kế theo pháp luật.


Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Như vậy, thừa kế theo pháp luật được hiểu một cách đơn giản là quá trình dịch chuyển di sản của người chết sang những người còn sống theo quy định của pháp luật về thừa kế. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì khi không có căn cứ để dịch chuyển di sản của người chết theo ý chí của họ thì di sản đó phải dịch chuyển theo quy định của pháp luật về hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế. Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã định nghĩa về thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Thứ nhất, những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Các văn bản pháp luật về thừa kế ở nước ta từ trước đến nay đều liệt kê các trường hợp thừa kế theo pháp luật như: Bộ luật Dân sự Bắc kỳ năm 1931; Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/05/1950; Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao; Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Bộ luật Dân sự năm 1995; Bộ luật Dân sự năm 2005 và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015. Tất cả các văn bản pháp luật trên đều quy định rất cụ thể về các trường hợp thừa kế theo pháp luật.Tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

Một là, trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc. Đây là những trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng đã hủy di chúc (di chúc bị xé, bị đốt hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập…) đều được coi là không có di chúc. Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hai là, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của một giao dịch có hiệu lực theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. Di chúc bị coi là không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, do vậy di sản liên quan đến di chúc đó sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một di chúc bất hợp pháp có thể không có hiệu lực pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Di chúc bất hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ nhưng cũng có thể chỉ vô hiệu một phần nên khi giải quyết một tranh chấp về thừa kế có liên quan đến di chúc phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, vào các điều kiện mà di chúc đã vi phạm để xác định mức độ vô hiệu của di chúc.

Ba là, thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc. Nếu người để lại di sản chỉ định đoạt một phần di sản thì phần còn lại sẽ được áp dụng chia cho những người nằm trong hàng thừa kế (trừ khi họ là người bị người lập di chúc chỉ rõ chỉ được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc bị truất quyền thừa kế theo di chúc).

Bốn là, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, các cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc đều không có người thừa kế theo quy định của pháp luật. Như vậy, một người có thể vừa được hưởng di sản thừa kế theo di chúc lại vừa được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nếu họ là người tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ di sản của người lập di chúc được dịch chuyển cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó; Trong trường hợp chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến họ mới được áp dụng thừa kế theo pháp luật để giải quyết.

Năm là, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản. Những người đáng lẽ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc nhưng lại thực hiện những hành vi đã quy định tại khoản 1 Điều 621 sẽ không được hưởng di sản trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng theo di chúc; Trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại; Trong trường hợp chỉ có một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản mà người lập di chúc để lại cho một số người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự.

Sáu là, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản. Người thừa kế có quyền nhận, có quyền từ chối hưởng di sản của người chết để lại. Phần di sản liên quan đến người đã từ chối sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Vì thế, khi người này từ chối hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn có thể hưởng thừa kế theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp họ đã từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản gồm cả phần theo di chúc và cả phần theo pháp luật thì toàn bộ phần di sản này sẽ chia theo pháp luật cho những người thừa kế của người lập di chúc.

Thứ hai, diện và hàng thừa kế theo pháp luật

Một là, diện thừa kế theo pháp luật. Như chúng ta đã biết, thừa kế theo pháp luật là trình tự dịch chuyển di sản thừa kế của người chết để lại theo hàng thừa kế, điều kiện, trình tự thừa kế theo quy định của pháp luật. Nghĩa là theo trình tự này thì ai được hưởng di sản của người chết để lại, hưởng như thế nào, hưởng bao nhiêu…hoàn toàn do pháp luật xác định. Tuy nhiên, khi xác định phạm vi những người được hưởng di sản của người chết để lại, pháp luật về thừa kế của bất kỳ quốc gia nào cũng phải dựa trên ý chí mang tính truyền thống của người để lại di sản là nếu họ chết thì tài sản còn lại của họ (di sản thừa kế) phải được dịch chuyển cho những người thân thích của họ. Vì vậy ở đây ta có thể hiểu: Diện thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người có thể được hưởng di sản theo pháp luật của người chết nếu giữa họ với người chết đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng cho đến thời điểm mở thừa kế hoặc giữa họ có huyết thống trong phạm vi hai đời bàng hệ và bốn đời trực hệ.

Hai là, hàng thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế theo pháp luật là nhóm những người có cùng mức độ gần gũi với người chết và theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại, (Điều 651, khoản 1 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể về các hàng thừa kế theo pháp luật). (i) Hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ, chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; (iii) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, quyền để lại di sản và quyền thừa kế là những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong bất kỳ một xã hội nào ở bất cứ nhà nước nào, vấn đề thừa kế cũng chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật và bản thân nó cũng phản ánh phần nào bản chất của chế độ xã hội đó. Ở nước ta, quyền thừa kế của công dân được đề cập ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946, trên cơ sở đó tiếp tục được kế thừa, xây dựng để ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện nay, nền kinh tế đất nước ta đang rất phát triển, vấn đề khu vực hóa, toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, cùng với mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân do dân và vì dân, các quyền của con người, quyền công dân ngày càng được ghi nhận và quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý, tối thượng nhất là Hiến pháp năm 2013 trong đó có quyền thừa kế của người dân đối tài sản mà người để lại di sản thừa kế cho mình.

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật006198, E-mail: [email protected], [email protected].