Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là một chế định tiến bộ , có vai trò đăc biệt quan trọng. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng thủ tục đặc biệt này còn rất ít, nguyên nhân là do các hạn chế trong quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.

Thủ tục rút gọn là một chế định tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự. Quy định về thủ tục rút gọn có trong pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức thủ tục này cũng được quy định khá sớm và hiện nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện.

3
Luật sưtư vấn pháp luậthình sự - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Một số vấn đề lý luận chung về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam.

(i) Khái niệm, đặc điểm của thủ tục rút gọn

Theo từ điển Luật học, thủ tục tố tụng được hiểu là “cách thức trình tự và nghi thức tiến hành xem xét một vụ việc hoặc giải quyết một vụ án đã được thụ lý hoặc khởi tố theo quy định của pháp luật”. Như vậy, thủ tục tố tụng hình sự được hiểu là trình tự, biện pháp do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để điều tra phát hiện, xử lý, trừng trị người có hành vi phạm tội. Thủ tục tố tụng hình sự phải được tiến hành theo đứng trình tự, do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Thủ tục rút gọn được coi là một thủ tục đặc biệt trong thủ tục tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003.

Một số đặc điểm của thủ tục rút gọn:(i) Thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc biệt, được quy định trong BLTTHS. (ii) Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện Luật quy định. (iii) Thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, những khi áp dụng thủ tục này vẫn phải tuân thủ thoe những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS. (iv) Thủ tục rút gọn rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án, giảm được chi phí, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

(ii) Ý nghĩa của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự.

Thủ tục rút gọn có ý nghĩa pháp lí và xã hội sâu sắc trong tình hình hiện nay. Thủ tục này là cơ sở pháp lí để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng; tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết những vụ án loại này, tập trung vào việc giải quyết những vụ án nghiêm trọng, đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm; góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án và vi phạm các quy định của BLTTHS về thời hạn. Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tạo điều kiện để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, góp phần đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; tiết kiệm được thời gian, chi phí cho những người tham gia tố tụng, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và tham gia vào các quan hệ pháp luật khác.

Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không phải chuyển sang thủ tục chung để giải quyết. Bởi vì nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn sau đó phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì không những không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục mà thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn so với vụ án chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết . Do đó, việc áp ụng thủ tục rút gọn cần phải thực hiện một cách đứng trình tự, thủ tục để bảo đảm hiệu quả.

Những điểm mới về thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003.

(i) Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Trong BLTTHS năm 2003 thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, đến BLTTHS 2015 thì phạm vi áp dụng đã được mở rộng. Cụ thể, tại Điều 455 BLTTHS 2015 đã bổ sung: “Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Như vậy, BLTTHS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm.

(ii) Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

BLTTHS 2003 quy định 4 điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 319. Trong khi đó, BLTTHS 2015 do mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục đặc biệt, do đó, điều kiện để áp dụng cũng được chia thành 2 phần. Tại khoản 1 Điều 456 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm. Về cơ bản, vẫn giữ nguyên 4 điều kiện như BLTTHS năm 2003. Những có bổ sung thêm đối với điều kiện thứ nhất đó là “Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú”. Việc bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú được áp dụng thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện còn lại là một sự mở rộng các trường hợp áp dụng. Ngoài ra, điều kiện thứ 4 cũng được thay đổi thành “người phạm tội có nơi cứ trú, lý lịch rõ ràng”, về bản chất thì căn cước, lại lịch hay nơi cư trú lý lịch là giống nhau, đều chỉ về việc xác minh các thông tin của người phạm tội.

Một điểm mới về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 đó là điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện sau:

“a)Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo” .

Đối với trường hợp thứ 2, việc áp dụng thủ tục rút gọn chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ 5 điều kiện đó là 4 điều kiện tại khoản 1 Điều 456 và thêm một điều kiện đó là có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo hướng án treo.

(iii) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

Điều 457 BLTTHS năm 2015 quy định về việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có những sửa đổi một cách căn bản so với Điều 320 BLTTHS 2003 . Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2003 chỉ trao cho Viện kiểm sát thì đến BLTTHS 2015 đã được trao cho 3 cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Một điểm mới cản bản giữa BLTTHS 2015 so với 2003 đó là tại Điều 457 đã xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiếm sát, Tòa án phải ra quyết đinh áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện. Quy định này đã khắc phụ hạn chế của quy định trong BLTTHS 2003 tại khoản 1 Điều 320 là “…Viện kiếm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”.

Điểm mới tiếp theo đó là về thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn. BLTTHS 2003 quy định thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn là sau khi khởi tố vụ án. Trong khi đó, thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn tại khoản 1 Điều 457 BLTTHS 2015 là sau 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện. Như vậy, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, khi phát hiện có đủ căn cứ để áp dụng thủ tục rút gọn các cơ quan có thẩm quyền được phép áp dụng thủ tục rút gọn.

BLTTHS 2015 cũng bổ sung thêm quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát tính hợp pháp, có căn cứ của các quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan điều tra, Tòa án. Điều này được quy rõ tại khoản 3, 4 của Điều 457.

Ngoài ra, Điều 458 BLTTHS 2015 quy định về việc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với BLTTHS 2003. Căn cứ để hủy là khi vụ án không còn một trong các điều kiện được quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 456 hoặc vụ án đã được đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc hồ sơ vụ án phải trả để điều tra bổ sung.

(iv) Hoạt động xét xử theo thủ tục rút gọn

BLTTHS 2015 đã có những điểm mới so với BLTTHS 2003 về việc xét xử theo thủ tục rút gọn. Đầu tiên đó là việc trong giao đoạn chuẩn bị xét xử, BLTTHS 2015 quy định Tòa án sau khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải gửi quyết định đó cho VKS cùng cấp, giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.

Điểm mới thứ hai so với BLTTHS 2003 đó là BLTTHS 2015 giành riêng một Điều Luật quy định về phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể đó là Điều 463, theo đó, phiên tòa này do 1 thẩm phán tiến hành, không có hội thẩm tham gia và cũng không có phần nghị án.
Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn có điểm mới về quy định về chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 464), phiên tòa xét xử phúc thẩm(Điều 465). Đây là những quy đinh hoàn toàn mới mà BLTTHS 2003 chưa hề đề cập đến.

ed
Luật sưNguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198

(v) Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử không được quá 16 ngày (Điều 322); thời hạn điều tra là 12 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Việc BLTTHS hiện hành quy định thời hạn tạm giam, điều tra quá ngắn trong khi trình tự, thủ tục để giải quyết vụ án vẫn giống như thủ tục chung, không được giản lược, kể cả các thủ tục về hành chính tư pháp, điều này đã gây tâm lý “sợ” làm án theo thủ tục rút gọn của Điều tra viên . Do vậy, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng kéo dài thời hạn tạm giam tối đa để điều tra, truy tố, xét xử đến 64 ngày; trong đó thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra tối đa là 20 ngày, trong giai đoạn truy tố tối đa là 5 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm tối đa là 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là 22 ngày.

Ngoài ra những điểm khác biệt kể trên, thì những quy định về điều tra, truy tố cũng có những điểm mới. Thời hạn để điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015 cũng được kéo dài hơn so với quy định trong BLTTHS 2003.

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là một chế định tiến bộ , có vai trò đăc biệt quan trọng. Song, thời gian qua, việc áp dụng thủ tục đặc biệt này trong hoạt động tố tụng hình sự còn rất hiếm hoi mà một phần nguyên nhân là do các hạn chế trong quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. BLTTHS 2015 ra đời đã phần nào khắc phục được những hạn chế đó, mở rộng điều kiện giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn. Tuy vậy, vẫn còn có những hạn chế nhất định đòi hỏi các nhà làm luật cần phải nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa pháp luật về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự. Có như vậy, thủ tục đặc biệt, tiến bộ này mới có thể phát huy được hết vai trò , ý nghĩa của nó.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].