-->

Thời hiệu khởi kiện để đòi nợ của doanh nghiệp quy định thế nào?

Tùy vào loại hình doanh nghiệp của đại lý mà công ty anh/chị có thể khởi kiện đối với những cá nhân trên trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đại lý nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng kí kinh doanh.

Hỏi: Công ty chúng tôi có cho đại lý nợ một số tiền hàng từ năm 2008 (trong hợp đồng công ty chúng tôi ghi không bán nợ ngoại trừ trường hợp đại lý có bảo lãnh thư và lúc này đại lý không có bảo lãnh thư). Đại lý vẫn tiếp tục chuyển tiền lấy hàng và công ty chúng tôi trừ nợ dần tiền từ các toa hàng mà đại lý đã chuyển (việc trừ nợ dần này công ty chúng tôi không thông báo với đại lý mà như một nguyên tắc riêng của công ty).Ngày 31/12/2009 đại lý đã ký xác nhận nợ (dù trong năm 2009 đại lý đã chuyển đủ tiền mua hàng cả năm, nhưng tiền bị trừ nợ trước ) và giữa hai bên chưa từng cùng đối chiếu công nợ chỉ gửi giấy xác nhận cho đại lý ký. Tháng 4/2010 công ty chúng tôi tiếp tục bán nợ hàng cho đại lý qua bảo lãnh thư với giá trị 1,5 tỉ đồng. Bảo lãnh thư có hiệu lực đến ngày 31/12/2011. Ngày 31/12/2011 đại lý có ký giấy xác nhận nợ với số tiền là 1,5 tỉ đồng. Sau ngày 31/12/2011 đại lý bị thua lỗ không thanh toán số tiền đã được bảo lãnh qua ngân hàng (Từ tháng 4/2010 - 31/12/2011 đại lý chuyển gần đủ tiền mua hàng nhưng bị trừ nợ từ trước như đã nói ở trên). Ngân hàng lấy lý do đại lý đã chuyển đủ tiền mua hàng trong thời gian bảo lãnh thư có hiệu lực, họ không chịu trác nhiệm về khoản nợ từ trước, nên buộc chúng tôi phải kiện. Và Tòa chỉ buộc ngân hàng phát hành bảo lãnh phải trả cho công ty chúng tôi số tiền mà đại lý chuyển chưa đủ trong thời gian bảo lãnh thư có hiệu lực. Phiên tòa kiện ngân hàng mà đại lý là đơn vị có liên quan kéo dài qua nhiều cấp mãi đến giữa năm 2015 mới kết thúc. Công ty chúng tôi tiếp tục khởi kiện đại lý để đòi số tiền còn lại nhưng công ty của đại lý đã giải thể. Bây giờ tôi phải làm sao? Và thời hiệu khởi kiện có còn không? (Gia Huy - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Hoài Thu - Tổ tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest- trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của anh (chị), chúng tôi xin trích dẫn một số quy định sau của pháp luật:

Khoản 2 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:"2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp".

Khoản 1 Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về hồ sơ giải thể doanh nghiệp như sau: "1. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm giấy tờ sau đây: a) Thông báo về giải thể doanh nghiệp; b) Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có); c) Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có); d) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Nhưng trong trường hợp bạn trình bày, đại lý đã cố tình không kê khai và thanh toán khoản nợ với công ty bạn, về hành vi này, khoản 2, 3 Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

"2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh".

Theo đó, khi phát hiện hồ sơ giải thể không chính xác, những người sau đây sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ với công ty anh/chị: Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Như vậy, tùy vào loại hình doanh nghiệp của đại lý mà công ty anh/chị có thể khởi kiện đối với những cá nhân trên trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đại lý nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng kí kinh doanh. Thời điểm đại lý làm ăn thua lỗ là sau ngày 31/12/2011 nên đại lý nộp hồ sơ giải thể vào khoảng thời gian sau đó, do đó tính đến nay vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.