-->

Tài sản sở hữu trí tuệ được bảo hộ bởi nhiều loại quyền

Đôi khi, rất khó để tách biệt yếu tố chức năng ra khỏi các yếu tố khác liên quan đến hình dáng của sản phẩm. Do đó, bạn nên xem xét nên bảo bộ dưới dạng nào để có được độc quyền tối đa đối với những sản phẩm trí tuệ của mình.

Nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp là hai loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Mỗi đối tượng có khả năng tạo ra lợi thế thương mại nhất định cho chủ sở hữu. Cả hai loại quyền có thể được đăng ký đồng thời cho một sản phẩm nhất định nếu chúng đáp ứng các điều kiện pháp lý để bảo hộ theo pháp luật có liên quan.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Một là kiểu dáng và sáng chế/mẫu hữu ích

Đôi khi, rất khó để tách biệt yếu tố chức năng ra khỏi các yếu tố khác liên quan đến hình dáng của sản phẩm. Ví dụ, hình dáng của một chiếc xe tải, hoặc bàn phím của máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Vậy, bạn làm thế nào để bảo hộ kiểu dáng của các sản phẩm làm bằng vật liệu composit - những kiểu dáng một phần thể hiện chức năng và một phần mang tính thẩm mỹ của sản phẩm? Pháp luật kiểu dáng công nghiệp chỉ bảo hộ hình dáng bên ngoài của sản phẩm, mà không bảo hộ các đặc điểm có tính chức năng hoặc kết cấu của sản phẩm.

Do đó, bạn nên xem xét bảo bộ độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích để có được độc quyền đối với những cải tiến về chức năng của sản phẩm. Để xác định liệu kiểu dáng chủ yếu mang tính chức năng hay tính trang trí, kiểu dáng trong đơn đã được nộp phải được xem xét một cách tổng thể, chứ không dựa trên từng tính năng một. Khi một sản phẩm mới có nhiều cải tiến mang tính chức năng, cùng với các đặc điểm thẩm mỹ sáng tạo thì tốt hơn hết là nộp một hoặc nhiều đơn đăng ký sáng chế cho những cải tiến mang tính chức năng đó và một hoặc nhiều đơn đăng ký kiểu dáng cho những sáng tạo về thẩm mỹ.

Hãy xem xét một số ví dụ sau. Kiểu dáng của chiếc lưới tản nhiệt ở mặt trước của xe hơi có chức năng khí động học, nhưng nó cũng có tính năng thẩm mỹ và có thể được bảo hộ làm kiểu dáng công nghiệp. Hoặc bạn đã thiết kế một chiếc điện thoại di động mới hoặc tiên tiến. Một chiếc điện thoại di động mới hoặc tiên tiến có thể là kết quả của một sự đột phá về kỹ thuật hoặc những cải tiến đáng kể mang tính cách mạng đối với các linh kiện điện tử có thể được bảo hộ bởi một hoặc nhiều bằng độc quyền sáng chế; kiểu dáng có tính mới hoặc nguyên gốc của màn hình kỹ thuật số hoặc các biểu tượng trên màn hình của điện thoại di động có thể được đăng ký làm kiểu dáng công nghiệp.

Hai là kiểu dáng và quyền tác giả

Ở một số nước, kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ đồng thời bởi pháp luật về quyền tác giả và pháp luật về kiểu dáng công nghiệp. Điều đó có nghĩa là gì? Đó là một câu hỏi rất khó và quan trọng, mà thường phải được giải đáp khi thuê gia công sản xuất ở nước ngoài cũng như trong xuất khẩu.

Hãy lấy ví dụ và lý giải một vấn đề pháp luật phức tạp theo một cách đơn giản. Ở nhiều nước, một người có thể nhận được sự bảo hộ kép hoặc bảo hộ bổ sung cho kiểu dáng công nghiệp theo pháp luật về quyền tác giả, cũng như pháp luật về kiểu dáng công nghiệp (và không áp dụng cho những đối tượng khác).

Ở một số nước, hai dạng bảo bộ này loại trừ lẫn nhau đối với tất cả các loại kiểu dáng. Ở nhiều nước, sự chồng chéo hoặc mức độ bảo vệ kép là khác nhau đáng kể; ví dụ, quyền tác giả sẽ không được áp dụng trong toàn bộ thời gian mà quyền đối với kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực. Ở một số nước, các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng hay thủ công mỹ nghệ cũng được bảo bộ theo quyền tác giả. Ví dụ, ở Mỹ kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm như đồ chơi được coi là tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, và do đó được bảo vệ bởi quyền tác giả.

Khi có cả hai sự lựa chọn thì việc đầu tiên, trước khi đưa ra quyết định bất kỳ về cách thức tốt nhất để bảo vệ kiểu dáng, là phải hiểu được sự khác biệt giữa hai hình thức bảo hộ này ở quốc gia liên quan và xem áp dụng hình thức này hay hình thức khác hoặc cả hai hình thức sẽ tốt hơn nhằm phục vụ các mục tiêu của doanh nghiệp.

Việc bảo hộ thông qua đăng ký kiểu dáng sẽ có hiệu lực mạnh hơn, trong đó đã bao gồm việc ngăn cấm hành vi xâm phạm vô ý. Và Giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một bằng chứng quan trọng trong trường hợp có hành vi xâm phạm quyền. Nhưng việc đăng ký kiểu dáng có thể đòi hỏi nỗ lực đáng kể về tài chính và thủ tục, và thời gian bảo hộ đối với kiểu dáng là ngắn hơn so với bảo hộ theo quyền tác giả.

Vì vậy, phải lựa chọn kỹ lưỡng giữa việc bảo hộ theo quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp; và quyền đối với kiểu dáng không phát sinh một cách tự động giống như quyền tác giả; trong một số trường hợp nhất định, phải cân nhắc tất cả các chi phí và lợi ích của cả hai loại hình bảo hộ này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cho đến khi kiểu dáng được đăng ký, tốt hơn hết là phải ghi chép đầy đủ về mọi quá trình xây dựng kiểu dáng. Việc ghi rõ ngày và ký tên vào từng bản thảo và lưu giữ cẩn thận những bản thảo này có thể sẽ là rất hữu ích trong trường hợp xảy ra hành vi xâm phạm quyền.

Ba là nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp

Hãy giải thích một chút về việc kiểu dáng công nghiệp cũng có thể được bảo hộ hoặc được sử dụng làm nhãn hiệu. Nói cách khác là có thể bảo hộ một kiểu dáng làm cả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp hay không? Bạn có thể nhớ rằng nhãn hiệu là một dấu hiệu có tính phân biệt dùng để phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Nếu hình dạng, kiểu dáng và bao bì của sản phẩm nhất định mang chức năng phân biệt của sản phẩm có liên quan, thì ở một số quốc gia, kiểu dáng đó có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu ba chiều hoặc bao bì thương mại theo pháp luật về nhãn hiệu.

Các hình dáng độc đáo của chai Coca-Cola và hình dạng tam giác đặc biệt của thanh sôcôla Toblerone là ví dụ điển hình về nhãn hiệu ba chiều hoặc bao bì thương mại. Hình dáng của chai Coca-Cola ban đầu là một kiểu dáng công nghiệp và sau đó nó đã được đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước. Hiếm khi một sản phẩm cùng được bảo hộ bởi cả quyền kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu ngay tại ngày đưa sản phẩm đó ra thị trường hoặc ở giai đoạn đầu trong vòng đời của nó.

Khi kiểu dáng công nghiệp đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định thì nó có thể đủ điều kiện để được đăng ký làm nhãn hiệu. Thế nên, chỉ lúc đó đơn đăng ký bảo hộ một kiểu dáng dưới dạng nhãn hiệu mới được nộp. Kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bảo hộ tối đa từ 10 đến 25 năm, tùy thuộc vào từng nước; và đăng ký nhãn hiệu có thể được gia hạn mãi mãi, theo đó, sau một thời gian đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ hết hiệu lực và đăng ký nhãn hiệu tiếp tục có hiệu lực vô thời hạn.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp am hiểu về sở hữu trí tuệ đã thực hiện các biện pháp để sử dụng kiểu dáng mới hoặc nguyên gốc được chấp nhận rộng rãi dưới dạng nhãn hiệu trong quá tình xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị của họ để tạo thuận lợi cho việc đăng ký kiểu dáng làm nhãn hiệu. Vì vậy, một lý do nữa để tiến hành đăng ký kiểu dáng mới hoặc nguyên gốc làm kiểu dáng công nghiệp là để bảo hộ nó trong thời hạn quy định, đồng thời trong quá trình đó, kiểu dáng sẽ tạo được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của việc đăng ký làm nhãn hiệu.

Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là hai loại quyền sở hữu trí tuệ riêng biệt. Mỗi đối tượng có khả năng tạo ra những lợi thế thương mại đáng kể cho chủ sở hữu đối tượng đó. Cả hai loại quyền này có thể đồng thời được cấp cho một hình dạng nhất định nếu hình dạng đó đáp ứng các điều kiện về pháp lý để bảo hộ theo pháp luật có liên quan. Thật thú vị khi thấy rằng, ở nhiều nước, các biểu tượng trên màn hình điện tử hoặc màn hình máy tính có thể đồng thời được bảo hộ làm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

Ví dụ, Sun Microsystems đã đăng ký biểu tượng tách cà phê cho sản phẩm phần mềm Java của mình như là một nhãn hiệu và họ cũng đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng của ly cà phê kết hợp với cụm từ "Java Workshop". Việc đăng ký này nhằm tận dụng sự bảo hộ mạnh hơn dành cho đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhằm bổ sung cho sự bảo hộ yếu hơn nhưng dài hơn của việc bảo hộ đối với đăng ký nhãn hiệu của họ.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].