-->

Sử dụng tên sản vật nổi tiếng cho sản phẩm của mình là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay việc những cửa hàng lợi dụng uy tín của thương hiệu nổi tiếng để kiếm lời trên sản phẩm của mình đang diễn ra tràn lan, trong đó có cả thương hiệu Bưởi Đoan Hùng

Hỏi: Tôi là chủ một trang trại bưởi tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nơi nổi tiếng khắp cả nước với đặc sản bưởi Đoan Hùng. Gần đây, tôi thấy nhiều cửa hàng, thương lái ở các huyện lân cận, thậm chí là các tỉnh khác có nhập bưởi không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo nhưng đã đề tên tên mặt hàng là Bưởi Đoan Hùng. Do vậy đã dẫn tới rất đông người hiểu nhầm rằng bưởi Đoan Hùng kém chất lượng và đã ảnh hưởng tới uy tín của chúng tôi. Xin luật sư cho biết hành vi như vậy có vi phạm pháp luật không? (Ngọc Mai - Phú Thọ)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Lê Thị Quỳnh - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Hiện nay việc những cửa hàng lợi dụng uy tín của thương hiệu nổi tiếng để kiếm lời trên sản phẩm của mình đang diễn ra tràn lan, trong đó có cả thương hiệu "Bưởi Đoan Hùng". Để giúp anh (chị) và quý Vị đang băn khoăn về vấn đề này chúng tôi xin được phân tích dựa trên cơ sở pháp luật như sau:

Thứ nhất, thương hiệu "Bưởi Đoan Hùng" đã được nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ ngày 08/02/2006. Như vậy, những hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đều là những hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm.

Chúng tôi lưu ý: Chỉ dẫn địa lý được hiểu là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hoá được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Thứ hai, cần phải làm rõ xem hành vi của những chủ cửa hàng như chị đã nói có phải là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lýđược bảo hộ hay không.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý thì việc sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó được coi là hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thì việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được quy định là hành vi được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Như vậy hành vi của những chủ cửa hàng trên đã xâm phạm quyền của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.Để bảo vệ quyền đối với thương hiệu và lợi ích của mình, anh (chị) có thể thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 198, Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.