-->

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vấn đề này đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật khám chữa bệnh, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật các tổ chức tín dụng và một số văn bản luật khác.

Vấn đề bảo mật thông tin, bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cần được nhìn nhận và đánh giá đúng mực trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thông tin nào được xác định là thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân?

Thông tin thuộc đời sống riêng tư của cá nhân được xác định theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, đối với trẻ em, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Đối với người bệnh, thông tin về tình trạng sức khỏe được coi là bí mật và phải được tôn trọng, giữ bí mật.

Trường hợp cần thu giữ, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân thì phải bảo đảm điều kiện nào?

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Đối với thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em chỉ có thể được thực hiện nếu có sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Đối với quan hệ hợp đồng, các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, bác sĩ có thể cung cấp thông tin bệnh án của bệnh nhân trong các trường hợp sau:

+ Thứ nhất, khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

+Thứ hai, người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+Thứ ba, đối với hồ sơ bệnh án, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp: (i) Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật; (ii) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép; (iii) Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, việc công khai bản án, quyết định của Tòa án phải được mã hóa, theo đó, các thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thông tin khác liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình có trong bản án, quyết định của Tòa án mà việc công bố sẽ vi phạm nguyên tắc công khai bản án, quyết định (trong đó có nguyên tắc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân) phải được mã hóa.

Cá nhân, tổ chức có thể tự mình bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân khác hay không?

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức

trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Ví dụ, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp cá nhân có tài khoản tại tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng có thể cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng cho cá nhân, tổ chức khác hay không?

Thông tin của khách hàng trong hoạt động ngân hàng được bảo đảm an toàn và bí mật. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu (ví dụ trong trường hợp phục vụ công tác điều tra tội phạm, truy tố, xét xử, thi hành án,…) hoặc được sự chấp thuận của khách hàng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng.

Trường hợp hình ảnh; danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bị xâm phạm thì cá nhân bị xâm phạm có quyền gì?

Trường hợp bị xâm phạm về hình ảnh; về danh dự, nhân phẩm, uy tín; về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bị xâm phạm thì cá nhân bị xâm phạm có quyền:

- Yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Ví dụ, trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, trường hợp thông tin đời tư của cá nhân bị đăng tải trái pháp luật trên ấn phẩm, theo yêu cầu của người này hoặc người khác có quyền yêu cầu, tổ chức đã phát hành ấn phẩm ấy phải thực hiện đình chỉ phát hành; sửa chữa; thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bẳng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Trường hợp người vi phạm không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người bị vi phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

- Yêu cầu người vi phạm xin lỗi, cải chính công khai trong trường hợp bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.
- Buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
- Yêu cầu khác theo quy định của luật;

Người bị xâm phạm quyền đối với hình ảnh; danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được bồi thường thiệt hại như thế nào?

Tùy từng trường hợp cụ thể, người bị xâm phạm quyền đối với hình ảnh; danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có thể được bồi thường:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm hình ảnh; danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác còn có thể phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.