Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài được quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng.
Ở Việt Nam, trước năm 2016, khả năng tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài chưa được nêu thành nguyên tắc chung. Điều 769 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, khả năng lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên trong quan hệ hợp đồng chỉ được công nhận trong trường hợp hai bên có thỏa thuận. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, vấn đề này được điều chỉnh thành: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng…” (khoản 1 Điều 683). Như vậy, việc tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài đã chính thức được Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận. Ngay cả khi hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì các bên vẫn hoàn toàn có quyền lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài.
Ngoài ra, các bên cũng có thể thoả thuận thay đổi pháp luật áp dụng cho hợp đồng với điều kiện việc thay đổi đó “không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý” (khoản 6, Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Thứ nhất điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng
Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Do thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một thỏa thuận hợp đồng, nên có thể suy ra rằng nó phải tuân thủ các quy định chung về giao dịch dân sự.
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Không thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho những hợp đồng mà trong đó pháp luật không cho phép lựa chọn pháp luật áp dụng (ví dụ như hợp đồng có đối tượng là bất động sản)
- Không thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng nước ngoài nhằm lẩn tránh áp dụng một hệ thống pháp luật mà lẽ ra phải được áp dụng bắt buộc.
Thứ hai, hình thức của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng
Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định cụ thể về hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà chỉ có quy định về pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng. Về bản chất, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng là một dạng thỏa thuận hợp đồng nên có thể áp dụng quy định về hình thức của hợp đồng cho hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Khoản 7, Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó”. Do vậy, nếu các bên lựa chọn pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng của mình, thì thỏa thuận lựa chọn pháp luật đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức.Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Như vậy, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý, các văn bản luật chuyên ngành lại có những quy định khác biệt về hình thức của hợp đồng.
Ví dụ: Khoản 2, điều 27 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Theo đó, có thể suy ra rằng thỏa thuận về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng phải bằng văn bản nằm trong hợp đồng dưới dạng một điều khoản, hoặc trong một văn bản riêng.
Trong khi đó, một số điều ước quốc tế và pháp luật của một số quốc gia đã có những quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Ví dụ, Điều 7 Công ước Liên Mỹ về luật áp dụng cho hợp đồng quốc tế năm 1994 quy định: “Hợp đồng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn. Thỏa thuận về sự lựa chọn này phải minh thị hoặc, nếu không có thỏa thuận, sự lựa chọn này phải được suy ra một cách rõ ràng từ hành vi cụ thể của các bên và từ các điều khoản hợp đồng đặt trong tổng thể với hợp đồng chứa chúng. Sự lựa chọn này có thể điều chỉnh toàn bộ hợp đồng hoặc một phần hợp đồng. Sự lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp không nhất thiết đồng nghĩa với sự lựa chọn pháp luật áp dụng”.
Thứ ba, khả năng lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật cho hợp đồng
Bộ luật Dân sự năm 2015 không cho biết một cách minh thị các bên có được lựa chọn nhiều hệ thống luật áp dụng cho hợp đồng của mình hay không. Tuy nhiên, dựa vào nguyên tắc tự do thỏa thuận những nội dung mà pháp luật không cấm, thì việc lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng là có thể.
Tuy nhiên, các bên chỉ nên lựa chọn một hệ thống luật duy nhất áp dụng cho hợp đồng khi thỏa thuận lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp. Điều này có ý nghĩa thực tiễn bởi tìm kiếm và chứng minh pháp luật nước ngoài chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Hơn nữa, các hệ thống pháp luật khác nhau có thể có những quy định khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng của tòa án, dẫn đến tòa án không áp dụng được các hệ thống pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn. Thay vào đó, tòa án sẽ áp dụng pháp luật nước mình để giải quyết.
Từ các phân tích nêu trên, có thể rút ra một số khuyến nghị như sau:
- Về hình thức của thỏa thuận: Các bên trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài nên thể hiện thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng như thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng cho hợp đồng bằng văn bản;
- Về thời điểm thỏa thuận: Các bên được tự do giao kết nhằm làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ dân sự, nên thỏa thuận chọn pháp luật cũng có thể được thực hiện ở mọi thời điểm. Tuy nhiên, sự lựa chọn này nên được thể hiện ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng bởi việc đạt được thỏa thuận tại thời điểm này bao giờ cũng dễ dàng hơn thời điểm phát sinh tranh chấp.
Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận