-->

Phạm vi và thẩm quyền xét xử phúc thẩm

TACPT xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì TACPT có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Phạm vi xét xử phúc thẩm

Phạm vi XXPT có thể hiểu là giới hạn nội dung những vấn đề mà TACPT có thể xem xét, quyết định. Việc quy định phạm vi XXPT có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo tính ổn định của bản án sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 241 BLTTHS thì phạm vi XXPT được xác định là việc “TACPT xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì TACPT có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.”
Từ quy định trên, có thể thấy, trước tiên, TACPT phải xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị trước, nếu thấy cần thiết thì mới xem xét đến phần không bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị của TACPT không bị hạn chế bởi việc quyết định theo hướng có lợi cho người bị kháng cáo (chấp nhận kháng cáo) hoặc theo hướng kháng nghị của Viện kiểm sát (chấp nhận kháng nghị) mà có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản của BLHS về tội nhẹ hơn, giảm bồi thường, miễn hình phạt … thậm chí tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc cũng có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường … nếu có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó. Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định thế nào là trường hợp “cần thiết” cho nên có thể vận dụng hướng dẫn tại mục 4 phần VI Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTHS, “trường hợp cần thiết là trường hợp ở phần không bị kháng cáo hoặc kháng nghị có điểm cần được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”. Mặc dù, được xem xét hầu như toàn bộ nội dung vụ án nhưng khi quyết định thì HĐXXPT chỉ được quyết định theo hướng không làm xấu đi tình trạng của bất cứ ai[5].
TACPT chỉ xem xét những phần mà bị kháng cáo, kháng nghị đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Đối với những phần không bị kháng cáo, kháng nghị, TACPT chỉ xem xét đối với những nội dung có thể dẫn đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại (vấn đề dân sự trong VAHS), TACPT không được xem xét nếu không có kháng cáo, kháng nghị mặc dù có cơ sở để giảm mức bội thường thiệt hại. Ngoài ra, TACPT còn có quyền xem xét về phần thủ tục tố tụng trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ngay cả khi không có kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy, có thể thấy, phạm vi XXPT rất quan trọng vì chúng là cơ sở để HĐXXPT giải quyết các nội dung liên quan đến vụ án. Nhìn một cách tổng quát, phạm vi XXPT chỉ bị giới hạn bởi quy định của pháp luật như phân tích bên trên.
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm
Xuất phát từ quy định về tính chất của XXPT tại Điều 230 BLTTHS là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xem xét lại quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp dưới cho nên để xác định được thẩm quyền của Tòa án cần làm rõ nhưng Tòa án nào được xét xử sơ thẩm và Tòa án nào được xác định là Tòa án cấp trên. Theo quy định tại Điều 170 BLTTHS, Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm bao gồm: Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực; TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu. Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định rõ Tòa án nào được xác định là Tòa án cấp trên của các Tòa án này. Cho nên, cần xem xét về cơ cấu tổ chức của hệ thống TAND và Tòa án quân sự để xác định. Theo quy định tại Điều 20 và Điều 28 Luật Tổ chức TAND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 thì Tòa án cấp trên của Tòa án được xét xử sơ thẩm VAHS được xác định như sau:
- TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền XXPT những vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị;
- Tòa án quân sự quân khu có thẩm quyền XXPT những vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị;
- Các Tòa phúc thẩm TAND tối cao (hiện nay, được đặt ở thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẳng và thành phố Hồ Chí Minh) có thẩm quyền XXPT những vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị kháng cáo, kháng nghị;
- Tòa án quân sự trung ương có có thẩm quyền XXPT những vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án quân sự quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy, ngoài các Tòa án có thẩm quyền XXPT bên trên thì không còn Tòa án nào khác có thẩm quyền XXPT VAHS.
Luật gia Vũ Thị Hường, Công ty Luật TNHH Everest