-->

Những căn cứ cho ly hôn theo quy định của pháp luật mới nhất

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) thì “ly hôn là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích chi tiết căn cứ cho ly hôn nên việc áp dụng, nhận định còn bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ, nhiều người vẫn theo lối tư duy trước đây. Việc nghiên cứu, tìm hiểu căn cứ ly hôn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, để giải quyết vụ án ly hôn đúng pháp luật, phán quyết thấu tính đạt lý, bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm ổn định, an toàn đời sống xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích, nhận diện các tình tiết, sự kiện là điều kiện cần, đánh giá mức độ biểu hiện của tình tiết, sự kiện là điều kiện đủ làm căn cứ cho ly hôn theo khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ điều kiện cần


Điều kiện cần để cho ly hôn là các tình tiết, sự việc phản ánh tình trạng mối quan hệ vợ, chồng. Khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Như vậy điều kiện cần là: “... có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”. Theo quy định này, để cho ly hôn cần có một trong các cơ sở sau:

Thứ nhất, có hành vi bạo lực gia đình: Để xác định vợ, chồng có xảy ra hành vi bạo lực gia đình hay không thì chúng ta cần căn cứ vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình gồm các hình thức sau: (i)Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; (ii)Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; (iii)Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; (iv)Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; (v)Cưỡng ép quan hệ tình dục; (vi)Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; (vii)Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; (viii)Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. (ix)Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Như vậy, bạo lực gia đình không chỉ có đối tượng tác động là vợ hoặc chồng mà còn là các thành viên khác trong gia đình. Trong một số trường hợp, hành vi bạo lực gia đình tác động đến thành viên khác trong gia đình là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng như trường hợp bố hoặc mẹ cưỡng ép tảo hôn đối với con hoặc cưỡng ép con kết hôn mà bên mẹ hoặc bố không chấp nhận làm nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên ...

Thứ hai, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng:Để xác định có việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến việc một bên yêu cầu ly hôn hay không, cần căn cứ vào quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Theo chúng tôi, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng bao gồm hai nội dung chính là vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân và vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng, quyền, nghĩa vụ về tài sản.

+ Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ, chồng: Quyền nhân thân là một trong những quyền dân sự cơ bản. Từ sự kiện kết hôn, quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng phát sinh. Quyền, nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ, chồng không chỉ được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình mà còn đề cập trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác nên có phạm vi rất rộng. Thông thường, những vi phạm sau đây là vi phạm nghiêm trọng về nhân thân giữa vợ chồng:

  • Vợ hoặc chồng có hành vi phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong gia đình như việc ăn ở, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, quan hệ với gia đình, họ hàng hai bên; phân biệt đối xử, cản trở vợ hoặc chồng thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân như chọn nghề nghiệp, việc làm, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tham gia công tác xã hội …
  • Vợ hoặc chồng ngoại tình, không chung thủy, chung sống như vợ, chồng với người khác, bỏ mặc không quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không cùng nhau chia sẻ và thực hiện công việc gia đình.
  • Vợ hoặc chồng không chung sống với nhau mà không có lý do chính đáng hoặc không có thỏa thuận gì khác. Mục đích kết hôn nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Để đạt mục đích kết hôn, vợ chồng phải thực sự chung sống với nhau, cũng không buộc phải thường xuyên, liên tục suốt thời kỳ hôn nhân nhưng nếu không chung sống một thời gian dài mà không có lý do chính đáng và không có thỏa thuận với nhau sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng và những vấn đề pháp lý khác.
  • Vợ hoặc chồng ràng buộc việc lựa chọn nơi cư trú mà không có thỏa thuận với nhau. Bên cạnh nghĩa vụ chung sống thì vợ chồng có quyền thỏa thuận lựa chọn nơi cư trú phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung sống và thuận lợi cho việc duy trì mối quan hệ vợ chồng; trường hợp bên vợ hoặc bên chồng ràng buộc về nơi cư trú của bên kia mà không có sự bàn bạc, đồng ý hoặc hai bên thỏa thuận với nhau là đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng.
  • Vợ hoặc chồng có hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau. Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền và nghĩa vụ nhân thân, được pháp luật bảo vệ.
  • Vợ hoặc chồng có hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

  • Vợ hoặc chồng có hành vi vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng như tự ý đứng ra xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của cả vợ chồng, gia đình mà không được sự đồng ý của bên kia làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của bên không đứng ra giao dịch hoặc của cả gia đình.
  • Vợ hoặc chồng từ chối làm người đại diện cho bên kia mà không có lý do chính đáng trong những trường hợp pháp luật quy định để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia.
  • Vợ hoặc chồng vi phạm quy định về bình đẳng quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, phân biệt giữa lao động có thu nhập với lao động trong gia đình; đưa tài sản chung vào kinh doanh mà không có thỏa thuận bằng văn bản; không đóng góp tài sản, thu nhập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, không thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
  • Vợ hoặc chồng vi phạm quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung, không ghi tên của cả hai vợ chồng đối với tài sản chung pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà không có thỏa thuận khác.
  • Vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng; về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng.

Căn cứ điều kiện đủ

Nếu như điều kiện cần là những biểu hiện phản ánh tình trạng mâu thuẫn vợ chồng thì điều kiện đủ là sự thể hiện của mức độ, hệ quả mâu thuẫn như thế nào. Đó là: “...làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng chỉ đủ điều kiện cho ly hôn khi mức độ, hệ quả là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể để đánh giá hành vi bạo lực gia đình hay vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đến mức độ nào thì đủ cơ sở xác định là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Từ thực tiễn xét xử và vận dụng hướng dẫn tại Nghị quyết số: 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo chúng tôi, căn cứ vào những dấu hiệu của điều kiện cần, mức độ tình trạng mâu thuẫn sau đây được coi là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, cụ thể:

- Hành vi bạo lực gia đình mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần đã được vợ hoặc chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải hoặc cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly, cấm tiếp xúcnhưng bỏ mặc, không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục hành vi bạo lực.

- Hành vi bạo lực gia đình mang tính chất thường xuyên hoặc không thường xuyên nhưng gây ra hậu quả thương tích hoặc làm cho nạn nhân bị tổn hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc làm cho nạn nhân tìm cách tự sát hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc cơ quan điều tra kết luận có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hậu quả khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không có nơi ở, cuộc sống khó khăn, túng thiếu, phụ thuộc về vật chất, tinh thần.

- Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân như ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác đã được vợ, chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức góp ý, nhắc nhở, khuyên bảo, hoà giải nhưng không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc cơ quan điều tra kết luận có dấu hiệu tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc sau khi bị xử lý về hành vi ngoại tình thì bỏ đi khỏi nơi cư trú, không có trách nhiệm với gia đình.

- Vi phạm quyền và nghĩa vụ về nhân thân như không chung sống với nhau một thời gian dài mà không có lý do chính đáng,chung sống với nhau không có tình nghĩa vợ chồng, không quan tâm đến cuộc sống chung, cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được vợ, chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức góp ý, nhắc nhở, khuyên bảo, hoà giải nhưng không khắc phục hoặc vẫn tiếp tục vi phạm.

- Vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng và chế độ tài sản của vợ, chồng được coi là trầm trọng như việc tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch, từ chối đứng ra làm đại diện cho bên kia mà không có lý do chính đáng, không bình đẳng trong tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, tự ý đưa tài sản chung vào kinh doanh hoặc có tài sản nhưng không đóng góp để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, cản trở việc vợ hoặc chồng đứng tên đăng ký tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung thuộc trường hợp phải đăng ký... gây thất thoát, thiệt hại đến tài sản, ảnh hưởng đến thực hiện quyền và nghĩa vụ chung, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của bên kia, làm phát sinh nghĩa vụ về tài sản, hợp đồng làm cho vợ, chồng, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhu cầu thiết yếu của gia đình không bảo đảm... đã tìm cách khắc phục, hạn chế nhưng không có hiệu quả.

Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật:19006198, E-mail: [email protected].