-->

Nhặt được đồ có giá trị lớn, không trả lại bị xử lý thế nào?

Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất.

Hỏi: Cháu tôi nhặt được chiếc túi xách có 60 triệu đồng cùng một máy điện thoại nhưng không trả lại cho người mất. Do bồng bột và thiếu suy nghĩ, cháu đã không trả lại cho người đánh mất và cũng không nộp cho cơ quan công an. Đề nghị Luật sư tư vấn, cháu tôi có thể bị phạt tù không? (Mạnh Hùng -Thái Nguyên)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư Trần Thị Lan - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) quy định về quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu như sau:“Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt thì bị phạt tù từ một đến 5 năm”.

Theo quy định của pháp luật, về mặt nguyên tắc khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, bỏ quên. Người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hoặc phải thông báo, giao nộp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu không biết ai là chủ sở hữu. Nếu người nhặt được tài sản cố tình giữ lại tài sản đã nhặt được có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 141 BLHS.

Đối trường hợp của cháu anh (chị) khi nhặt được số tiền và chiếc máy điện thoại của người khác về nguyên tắc phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc thông báo, giao nộp cho UBND xã, cơ quan công an nơi gần nhất. Tuy nhiên, cháu đã không thực hiện theo quy định của pháp luật mà sử dụng tài sản nhặt được vào mục đích cá nhân. Như vậy, cháu anh (chị) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 141 BLHS.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.