-->

Nguyên tắc bảo vệ người lao động trong luật lao động

Nguyên tắc bảo vệ người lao động xuất phát từ quan điểm coi mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là “vì con người, phát huy nhân tố con người, trước hết là người lao động”.

Nguyên tắc bảo vệ người lao động có nội hàm rất rộng, yêu cầu pháp luật cần thể hiện quan điểm bảo vệ họ với tư cách bảo vệ con người - chủ thể của quan hệ lao động.


Do đó, nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm mục đích bảo vệ sức lao động, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, mà phải bảo vệ người lao động trên mọi phương diện: việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, cuộc sống của bản thân và gia đình họ, thời giờ nghỉ ngơi, nhu cầu nâng cao trình độ lao động, liên kết và phát triển trong môi trường lao động và xã hội lành mạnh. Nguyên tắc bảo vệ người lao động bao gồm các nội dung sau đây:
Luật sư tư vấn pháp luật qua Tổng đài tư vấn (24/7) 1900 6198Luật sư tư vấn pháp luật lao động - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử của người lao động

Bộ luật lao động quy định về quyền làm việc của người lao động: "1. Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. 2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình." (Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2012) và "Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ" (Điều 153 Bộ luật Lao động năm 2012). Nội dung của các quy định này là sự đảm bảo về mặt pháp lý cho người lao động trong phạm vi khả năng, nguyện vọng của mình có được cơ hội tìm kiếm việc làm và có quyền làm việc.

Để người lao động được hưởng và thực hiện được các quyền nói trên của mình, pháp luật lao động ghi nhận quyền có việc làm và tự do lựa chọn nơi làm việc của người lao động; đồng thời cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và xã hội trong việc tạo điều kiện để người lao động có việc làm và được làm việc.

Trả lương (thù lao, tiền công) theo thỏa thuận

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, sức lao động là hàng hóa, tiền lương (tiền công, thù lao) là giá cả sức lao động, các quy định về tiền lương do Nhà nước ban hành phải phản ánh đúng giá trị sức lao động.

Tùy từng tính chất, đặc điểm khác nhau của từng loại lao động, Nhà nước quy định chế độ tiền lương hợp lý, và phải quán triệt các nguyên tắc sau đây: (i) Lao động có trình độ chuyên môn cao, thành tạo, chất lượng cao, làm việc nhiều thì được trả công cao và ngược lại; (ii) Những lao động ngang nhau phải được trả công ngang nhau.

Bộ luật lao động quy định tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong việc được trả lương và hưởng lương trên cơ sở thỏa thuận, pháp luật lao động cũng quy định những biện pháp bảo vệ người lao động và bảo hộ tiền lương của người lao động.

Thực hiện bảo hộ lao động đối với người lao động

Xuất phát từ quan điểm và nhận thức: con người là vốn quý, là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Do đó, bảo vệ sức khỏe chung và bảo vệ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động nói riêng là nhiệm vụ và trách nhiệm không thể thiếu được của Nhà nước và doanh nghiệp.

Những đảm bảo về mặt pháp lý để người lao động thực sự được hưởng quyền bảo hộ lao động thể hiện ở các điểm sau: (i) Được đảm bảo làm việc trong điều kiện an toàn và vệ sinh lao động; (ii) Được hưởng chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; (iii) Được hưởng các chế độ bồi dưỡng sức khỏe khi làm những công việc nặng nhọc, có yếu tố độc hại, nguy hiểm; (iv) Được sắp xếp việc làm phù hợp với sức khỏe, được áp dụng thời gian làm việc rút ngắn đối với công việc độc hại, nặng nhọc; (v) Được đảm bảo các điều kiện về vật chất khi khám và điều trị tai nạn laođộng, bệnh nghề nghiệp.

Đảm bảo quyền được nghỉ ngơi của người lao động

Nghỉ ngơi là nhu cầu không thể thiếu được của con người. Quyền được nghỉ ngơi là một quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật lao động.

Căn cứ vào tính chất của mỗi ngành, nghề, đặc điểm lao động trong từng khu vực khác nhau, Nhà nước ngoài việc quy định thời gian làm việc hợp lý, còn quy định thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động nhằm tạo điều kiện cho họ khả năng phục hồi sức khỏe, tái sản xuất sức lao động và tăng năng suất lao động.

Tôn trọng quyền đại diện của tập thể lao động

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp Nhà nước, đều có quyền tham gia quản lý doanh nghiệp theo nội quy, điều lệ của doanh nghiệp và quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng lao động. Người lao động thực hiện các quyền này của mình thông qua đại diện của họ - đó là tổ chức Công đoàn.

Nội dung của nguyên tắc này được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật lao động, và Luật Công đoàn. Quyền được thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình là một trong các quyền quan trọng của người lao động được pháp luật lao động ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Các quyền này được quy định cụ thể trong Luật công đoàn.

Thực hiện bảo hiểm xã hội đối với người lao động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một hoạt động không thể thiếu được trong đời sống xã hội, và càng không thể thiếu đối với người lao động, đó là một đảm bảo rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động trong những trường hợp rủi ro.

Quyền được bảo hiểm xã hội là một trong các quyền cơ bản của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Nhà nước và các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các chế độ bảo hiểm đối với người lao động.

Nội dung của nguyên tắc này là người lao động trong mọi thành phần kinh tế, không phân biệt nghề nghiệp, thành phần xã hội, tôn giáo, giới tính, nếu có tham gia vào quan hệ lao động, có đóng góp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật lao động thì đều được đảm bảo các điều kiện về vật chất trong trường hợp tạm thời hoặc vĩnh viễn mất sức lao động, mất việc làm nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, tạo điều kiện để người lao động an tâm lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].