Đối với vụ việc của anh/chị, vì hợp đồng đào tạo nghề có thời hạn 10 tháng nhưng thời gian đào tạo được 5 tháng, công ty đã chấm dứt việc đào tạo đó. Trường hợp này, nghĩa vụ bồi thường chi phí có phát sinh...
Hỏi: Em làm việc cho công ty của Nhật Bản từ tháng 8/2014. Tháng 4/2015 em được công ty cho đi đào tạo ở Trung Quốc (Trong hợp đồng đi đào tạo, thì công ty cho đào tạo trong khoảng 10 tháng ở Trung Quốc và phải làm việc 2 năm tại công ty. Nhưng được 5 tháng thì công ty đã cho bọn em về Việt Nam để làm việc). Đề nghị luật sư tư vấn bây giờ em muốn nghỉ làm việc tại công ty, thì sẽ phải làm như thế nào là đúng luật và có phải bồi thường cho công ty không? (Hiện tại em còn 1 năm trong hợp đồng đi đào tạo, trong hợp đồng có ghi trong những trường hợp không mong muốn thì 2 bên có thể thương lượng) (Hoàng Mai - Hải Phòng)
Luật gia Lưu Thị Ngọc Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012, người lao động chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo cho doanh nghiệp trong trường hợp người lao động tự ý đơn phương nghỉ việc trái pháp luật.
Đối với vụ việc của anh/chị, vì hợp đồng đào tạo nghề có thời hạn 10 tháng nhưng thời gian đào tạo được 5 tháng, công ty đã chấm dứt việc đào tạo đó. Trường hợp này, nghĩa vụ bồi thường chi phí có phát sinh hay không phụ thuộc vào hình thức của việc chấm dứt thời gian đào tạo.
Trường hợp thứ nhất, việc chấm dứt thời gian đào tạo sớm hơn thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng đã được công ty báo cho anh/chị và anh/chị đồng ý. Trường hợp này được coi là có sự thay đổi nội dung của hợp đồng với sự thỏa thuận của hai bên. Tức là hai bên đều đồng ý rút ngắn thời hạn đào tạo xuống còn 5 năm.
Như vậy, nếu anh/chị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật anh/chị có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo cho công ty.
Nếu anh/chị muốn nghỉ việc và không phải bồi thường chi phí đào tạo, anh/chị phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, có 1 trong các căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động. Cụ thể các căn cứ đó là:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Thứ hai là phải đáp ứng điều kiện báo trước, trường hợp này, anh/chị phải thông báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày trước khi nghỉ việc.
Như vậy, khi đáp ứng được các điều kiện trên bạn sẽ không phải bồi thường chi phí đào tạo.
Trường hợp thứ hai là việc rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 5 tháng không được sự đồng ý của anh/chị. Trường hợp này, hợp đồng đào tạo được coi là bị đơn phương chấm dứt từ phía công ty, do vậy anh/chị không có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo trong trường hợp anh/chị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận