-->

Nghỉ 05 ngày trong một tháng, bị sa thải có đúng không?

Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì bị sa thải.

Hỏi: Em làm công nhân công ty gỗ. Em ký hợp đồng 01 năm. Tháng vừa rồi em nghỉ 05 ngày không phép. Công ty sa thải và trừ của em nửa tháng lương. Em có gửi đơn đến ban quản lý khiếu nại thì công ty hỏi em có giấy tờ gì chứng minh em nghỉ có lý do chính đáng không và nói không thì là do em tự ý nghỉ như vậy là phạm luật vi phạm về thời hạn báo trước công ty căn cứ vào đó chấm dứt hợp đồng với em và em phải bồi thường là đúng luật. Luật sư cho em hỏi công ty em xử vậy có đúng không? (Duy Niên - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định: "Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: 3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động".

Khoản này được hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: "Điều 31. Kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc

1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. 2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau: a) Do thiên tai, hỏa hoạn; b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động".

Như vậy khi bạn tự ý nghỉ việc 05 ngày mà không có lý do chính đáng cũng như không xin phép công ty thì căn cứ vào những điều khoản này công ty được phép sa thải bạn.

Thứ hai, về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động bị sa thải.

Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: “8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này”.

Do đó, bạn bị chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do bị sa thải.

Trách nhiệm bồi thường của bạn đối với công ty chỉ được đặt ra nếu chấm dứt hợp đồng lao động theo tính chất đơn phương từ phía bạn, và bạn vi phạm về thời hạn báo trước hoặc thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (không thuộc điều 37). Với hợp đồng của bạn là 01 năm làm việc, nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty thì thời hạn báo trước mà luật quy định này 30 ngày, bạn vi phạm điều này thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động 30 ngày lương không báo trước đó. Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường một nửa tháng tiền lương theo hợp đồng.

Tóm lại, với lý do như trên của bạn, thì bạn không phải bồi thường cho người sử dụng lao động. Các vấn đề về chấm dứt hợp đồng lao động vẫn được giải quyết bình thường. Khi công ty yêu cầu bạn bồi thường thì bạn hoàn toàn có thể kiện lên Tòa để bảo vệ quyền lợi cho mình

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.